Ví dụ như Hải Phòng có tới 73.681 sinh viên được vay, trong khi đó, tại Hà Giang, số HS, SV được vay mới chỉ là 5.100 em.
Theo bản Báo cáo kết quả cho học sinh, sinh viên vay tín dụng học tập tính đến 31/12/2007 của Ngân hàng Chính sách xã hội, đã có 2.305.548 em được vay với số tiền là hơn 2.504 tỉ đồng. Trong đó, 10 địa phương đứng đầu cả nước hiện nay về số lượng HS, SV vay vốn là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Giang, Ninh Bình, Đồng Nai, Long An, Phú Thọ. Bảy địa phương có số HS, SV vay vốn ít nhất trong cả nước là Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Kạn, Đắc Nông, Cao Bằng, Kon Tum.
Rồi việc cho HS, SV vay ở một số địa phương cũng để xảy ra tiêu cực. Ví dụ như tại xã Triệu Lộc (Hậu Lộc - Thanh Hóa), đoàn thể cấp xã ở đây đã áp dụng chính sách thu lệ phí 7.000đ trên khoản vốn cho vay 1 triệu đồng. Sau khi tiến hành kiểm tra, rà soát, Ngân hàng Chính sách xã hội đã yêu cầu các đoàn thể này phải trả lại tiền cho dân.
Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan liên quan cũng đã tiến hành khảo sát nhiều hộ vay tín dụng học tập tại 4 huyện Tĩnh Gia, Yên Định (Thanh Hóa), Phù Ninh, Tam Nông (Phú Thọ). Qua kiểm tra hơn 44.000 hộ vay, Đoàn đã phát hiện 458 hộ gia đình (ở 154 xã) không thuộc đối tượng được vay vốn. Con số này chiếm tỷ lệ hơn 1% số hộ được kiểm tra.
Những con số tưởng như khô khốc ấy đã nói được biết bao điều. Hóa ra, sinh viên thành phố lớn lại nghèo hơn sinh viên miền núi. Chỉ ngay trong chuyện vay vốn, sự công bằng trong giáo dục cũng đã là một mong ước khá xa xôi...
(theo Dantri)