Về xã Văn Phong, hỏi thăm mô hình của ông Nguyễn Mạnh Hùng, người dân nơi đây ai cũng biết. Hiện ông là chủ một gia trại nuôi thủy sản rộng lớn và là một tấm gương điển hình về phát triển kinh tế ở địa phương. Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, ông tâm sự: Cách đây hơn chục năm, hoàn cảnh kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn; xuất thân từ gia đình thuần nông, vốn liếng, tài sản trong tay chỉ có mấy sào ruộng, thu nhập chẳng đáng là bao. Từ khi xã có chủ trương khuyến khích, vận động bà con chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất tổng hợp cho giá trị cao hơn, ông đã bàn bạc với gia đình đứng ra dồn điền đổi thửa chuyển đổi được 1ha ruộng trũng để đầu tư nuôi cá truyền thống. Lúc bấy giờ, nhiều người cho rằng ông quá "liều" khi bỏ ra hàng trăm triệu đồng vào một mô hình mới mà lâu nay chưa có ai dám làm.
Nhưng với quyết tâm và sự ủng hộ của người thân, bạn bè, ông bắt tay vào cải tạo ruộng trũng thành khu nuôi thủy sản. Gia trại của ông chủ yếu nuôi các loại cá truyền thống như: trôi, mè, trắm cỏ, chép… Cứ đến mùa thu hoạch, thương lái từ các nơi tìm về thu mua, riêng năm 2016, gia đình ông xuất bán gần 10 tấn cá.
Ngoài ra, ông còn xây dựng chuồng trại để nuôi lợn và trồng cỏ cung cấp thêm thức ăn thô cho cá. Hiện tại, gia đình đang duy trì nuôi 100 con lợn, trong đó có khoảng hơn chục lợn nái ngoại. Mô hình nuôi cá truyền thống kết hợp với chăn nuôi lợn của gia đình ông Hùng cho thu lãi mỗi năm hơn 100 triệu đồng.
Để nâng cao kiến thức, ông Hùng thường xuyên tìm đến các mô hình chăn nuôi có hiệu quả để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời ông chọn nhà cung cấp giống từ các cơ sở uy tín. Theo ông Hùng, ngoài chất lượng con giống thì điều quan trọng trong nuôi cá là phải đảm bảo môi trường sống sạch sẽ để cá sinh trưởng, phát triển tốt.
Cần phải tuân thủ quy trình xử lý ao nuôi, làm tốt khâu tẩy dọn ao: tát cạn, vét bớt bùn, rắc vôi, phơi ao, bón lót cho ao phân chuồng hoai mục và phân xanh rồi mới cho nước vào. Để giữ cho nguồn nước của ao không bị ô nhiễm phải thường xuyên vệ sinh ao, vớt các phần thức ăn dư thừa, cọng rác hằng ngày.
Khi thời tiết thay đổi, cá dễ bị nhiễm bệnh, do vậy cần phải chủ động phòng bệnh cho cá bằng cách sử dụng các loại chế phẩm sinh học cho phép, phát hiện và xử lý bệnh ở cá kịp thời không để phát triển lây lan thành dịch, đồng thời cho cá ăn các loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, như vậy, cá sẽ có sức đề kháng tốt, cho sản lượng cao.
Thành công từ mô hình nuôi thủy sản nước ngọt kết hợp với chăn nuôi lợn thịt, gia đình ông Hùng đã trở thành địa chỉ tin cậy của bà con trong và ngoài huyện đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm ăn. Ông Hùng đã ký cam kết thực hiện cuộc vận động "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn".
Trưởng thành trong gian khó, ông Hùng luôn thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người nông dân và thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cho hàng xóm, láng giềng và những người đang bước vào con đường lập nghiệp. Nhiều hộ trong thôn cũng học tập, làm theo. Hiện nay, vùng nuôi trồng thủy sản của xã Văn Phong đã và đang mang lại cuộc sống ổn định, giúp cho nhiều hộ dân nơi đây thoát nghèo và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Thùy Phương