Đồng chí Ngô Trần An, Phó Bí thư Đảng ủy, kiêm Trưởng Khối Dân vận xã Kim Định cho biết: Trước đây, nhiều khu vườn của các gia đình trong xã chủ yếu là trồng rau mầu, cây ăn quả ngắn ngày, cho giá trị thấp. Hoặc có một số ít hộ trồng đào "lùm" nhưng hiệu quả cũng không cao. Nhằm khai thác tốt lợi thế tiềm năng đất đai, Đảng ủy xã giao cho Khối Dân vận xã tham mưu xây dựng một số mô hình về phát triển kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm đến tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích đất rau mầu kém hiệu quả sang trồng đào cảnh; thực hiện liên kết trong sản xuất. Những ngày đầu thực hiện mô hình gặp không ít khó khăn do kinh nghiệm của các hộ trồng đào chưa nhiều, diện tích nhỏ lẻ, manh mún, nguồn vốn lại có hạn, mẫu mã đơn giản, chất lượng không đáp ứng được các thị trường khó tính, vì vậy thu nhập từ cây đào cũng chưa được cải thiện tăng cao.
Với quyết tâm xây dựng thành công mô hình Dân vận khéo trong phát triển kinh tế, đặc biệt là đưa cây đào cảnh Kim Định vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh, Khối Dân vận xã đã tổ chức hội nghị gặp mặt những hộ có diện tích trồng đào lớn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; đồng thời trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây đào cảnh. Để giúp đỡ các gia đình có nhu cầu về vốn, Khối Dân vận xã Kim Định đã giao cho Hội Nông dân xã đứng ra nhận ủy thác từ Ngân hàng, giúp các hộ trồng đào vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Cùng với đó, xã đã kịp thời có cơ chế trong chuyển đổi điện tích đất liền kề, tạo thành thửa đất có diện tích lớn, giúp các hộ thuận lợi trong đầu tư sản xuất. Quá trình triển khai mô hình, Khối Dân vận xã chú trọng vận động nhân dân tăng cường liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tìm đầu ra cho sản phẩm. Nếu như trước kia, các gia đình đều làm theo kinh nghiệm, tự phát, dẫn đến đầu ra sản phẩm thường bấp bênh, kỹ thuật canh tác không bảo đảm dẫn đến ô nhiễm môi trường, làm đất nghèo chất dinh dưỡng thì nay, từ khi tham gia mô hình liên kết sản xuất trồng đào, các hộ đã có bước thay đổi vượt bậc trong thay đổi tập quán trồng cây trên đất vườn tạp. Các hộ trồng đào đã có sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, làm chủ kỹ thuật trồng, chăm sóc để cây đào phát triển và ra hoa theo ý muốn, đồng thời hỗ trợ nhau trong bao tiêu sản phẩm; bảo vệ môi trường đất. Cũng từ việc liên kết sản xuất mà ngày càng có nhiều người ở trong và ngoài tỉnh đã tìm đến nông dân Kim Định để tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, đặt mua cây giống, mua sản phẩm.
Nếu trước kia khi đến với Kim Định người ta chỉ bắt gặp những vườn đào "lùm" được trồng/1 vụ/năm, thì nay trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều vườn có những gốc đào hàng chục năm tuổi với đa dạng kiểu thế, đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Không những vậy, nông dân Kim Định còn tăng cường liên kết để mở rộng thị trường. Vào các dịp Tết Nguyên đán, những chậu đào cảnh ở Kim Định đã được đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh phía nam, miền trung và một số tỉnh thành lân cận như Hà Nam, Nam Định. Hiện trên địa bàn xã đã có trên 100 gia đình chuyên trồng đào cảnh, một số hộ còn thuê đất để mở rộng sản xuất, góp phần tăng thu nhập, điển hình như các hộ ông: Nguyễn Văn Chung (xóm 9), Phan Văn Tân (xóm 2), Phạm Hồng Kiền (xóm 4), Nguyễn Văn Vọng (xóm 6), Trần Văn Cung (xóm 11)... Trừ chi phí, bình quân mỗi hộ thu về 100-120 triệu đồng/hộ/năm. Không những vậy, các hộ còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Đồng chí Ngô Trần An, Phó Bí thư Đảng ủy, kiêm Trưởng Khối Dân vận xã khẳng định: Thành công của các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trong liên kết phát triển trồng đào cảnh Kim Định đã mang lại hiệu quả rõ nét, thúc đẩy người dân thi đua làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Trong thời gian tới, Khối Dân vận Đảng ủy xã tiếp tục duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình, điển hình về trồng đào cảnh; hỗ trợ các hộ nhiều hơn về mặt kỹ thuật cũng như thay đổi phương thức liên kết sản xuất, hướng đến thành lập HTX, góp phần tạo thuận lợi cho các hộ mở rộng sản xuất, vươn ra thị trường rộng lớn, phát triển bền vững.
Khải Hoàn