Người gây dựng cơ sở cách mạng đầu tiên ở Yên Mô
Đồng chí Tạ Uyên sinh ra trong một gia đình nông dân tại làng Côi Trì. Vốn là một người ham học hỏi, có phẩm chất kiên trung, có tinh thần yêu nước, đồng chí sớm được giác ngộ cách mạng. Năm 1925, Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội được thành lập và phát triển mạnh mẽ trong cả nước. ở Yên Mô, một số thanh niên được tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, thường xuyên về nhà đồng chí Tạ Uyên để trò chuyện, đàm luận về những vấn đề thời cuộc, nghiên cứu học tập sách, báo tiến bộ. Sau một thời gian thử thách, đồng chí Tạ Uyên được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và được giao nhiệm vụ gây dựng cơ sở cách mạng ở địa phương.
Đến tháng 10-1927, đồng chí Nguyễn Văn Hoan cán bộ của Kỳ bộ Việt Nam cách mạng thanh niên được cử về Côi Trì kiểm tra tình hình phong trào cách mạng, cùng với đồng chí Tạ Uyên thành lập chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên thôn Côi Trì, chỉ định đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư chi bộ. Chi bộ thôn Côi Trì được thành lập là một bước ngoặt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân Yên Mô. Đây là tổ chức cách mạng đầu tiên của huyện Yên Mô và là chi bộ Đảng thứ 2 được thành lập ở Ninh Bình (sau chi bộ Lũ Phong, Quỳnh Lưu, Nho Quan). Từ đây phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân Yên Mô chuyển sang thời kỳ mới theo con đường cách mạng vô sản. Sau khi thành lập, đồng chí Tạ Uyên và chi bộ thôn Côi Trì đã tích cực hoạt động tuyên truyền, giác ngộ vận động quần chúng tham gia vào các tổ chức, đoàn thể cách mạng. Để đảm bảo bí mật, theo chủ trương của chi bộ, đồng chí đã chọn Bích Động thuộc tổng Lận Khê, huyện Yên Mô (nay thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) làm một trong những địa điểm in truyền đơn của Đảng. Từ xưởng in Bích Động và các nơi khác, truyền đơn và thơ ca cách mạng đã xuất hiện ở nhiều nơi trên địa bàn. Với tinh thần yêu nước và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, hoạt động cách mạng của đồng chí Tạ Uyên ngay từ những ngày đầu đã góp phần quan trọng khơi dậy lòng yêu nước và kêu gọi quần chúng đoàn kết đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược.
Thực tiễn và phong trào cách mạng đã tôi luyện người thanh niên yêu nước Tạ Uyên trở thành người chiến sỹ cộng sản, nhà hoạt động cách mạng kiên cường. Đến cuối tháng 7-1940, đồng chí Tạ Uyên được bầu làm Bí thư xứ ủy Nam Kỳ, trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Chỉ trước ngày khởi nghĩa 1 hôm, tức ngày 22-11-1940, đồng chí bị địch bắt tại Sài Gòn. Mặc dù bị đánh đập, tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản trung kiên. Kiệt sức vì những đòn tra tấn dã man, đồng chí đã anh dũng hy sinh tại Khám lớn Sài Gòn (ngày 10-12-1940). Tuy nhiên theo đúng kế hoạch của Xứ ủy, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã diễn ra đêm 22 rạng ngày 23-11-1940.
Cuộc đời, sự nghiệp và phẩm chất cao đẹp của đồng chí Tạ Uyên đã làm rạng danh cho quê hương và là tấm gương để các thế hệ người dân Côi Trì học tập, noi theo.
Đổi thay trên quê hương cách mạng
Do gặp khó khăn về điều kiện tự nhiên nên những năm trước đây Côi Trì còn là một địa phương có tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Làm thế nào để nhanh chóng cải thiện đời sống của người dân luôn là câu hỏi thường trực đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Với lực lượng lao động lớn (trên 5 nghìn nhân khẩu) nhưng đa số chưa qua đào tạo nghề nên hướng phát triển kinh tế chủ đạo hiện nay được địa phương lựa chọn chính là đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên nếu không thay đổi cách nghĩ, cách làm, vẫn giữ những tập quán canh tác cũ, sản xuất vẫn phụ thuộc nhiều vào thời tiết thì đời sống người dân sẽ còn khó khăn.
Được sự quan tâm của tỉnh, của huyện, Côi Trì cũng như một số địa phương khác trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi tới 50-60% diện tích trồng lúa trước đây sang trồng lúa chất lượng cao, năng suất bình quân ước đạt hơn 60 tạ/ha. Đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng để có những diện tích cây vụ đông ăn chắc.
Hiện nay, ở Côi Trì cũng đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi có quy mô nhỏ và vừa, được đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại phù hợp với quy chuẩn về kỹ thuật chăm sóc của từng loại vật nuôi. Ngoài nông nghiệp, Côi Trì hiện đang phát triển khá mạnh nghề mộc truyền thống. Là một làng nhỏ nhưng Côi Trì đã có tới hơn chục hộ mở xưởng mộc, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động địa phương với mức lương bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Trước đây nghề mộc của làng chỉ gói gọn trong việc làm kèo, làm cột cho các nhà thờ hoặc đền chùa nhưng vài năm trở lại đây với sự năng động, nhạy bén của những thợ mộc trẻ trong làng, các mặt hàng được mở rộng như tủ, giường, bàn ghế… đáp ứng theo nhu cầu thị trường.
Do đó mặc dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng nghề truyền thống này vẫn đang góp phần quan trọng tạo nên diện mạo mới cho làng Côi Trì. Cùng với sự năng động, chịu khó của người dân, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân hiệu quả như hỗ trợ vay vốn ưu đãi thông qua các Hội, đoàn thể, tổng số dư nợ hiện nay đã lên tới hơn 100 tỷ đồng, giúp nhiều gia đình đầu tư sản xuất, thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tỷ lệ hộ nghèo của làng Côi Trì còn 8,02% (theo tiêu chí mới), những năm trước đây đều ở mức trên 10%. Trong xây dựng nông thôn mới, Côi Trì đã đạt 7/19 tiêu chí, trong đó những tiêu chí hoàn thành sớm là xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Những con đường bê tông trải dài tít tắp đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đang kéo Côi Trì lại gần hơn với nhịp điệu phát triển của tỉnh, của huyện…
Xứng đáng với truyền thống vẻ vang của quê hương cách mạng, Côi Trì hiện đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ mang lại cuộc sống ấm no cho người dân và ngày càng củng cố vững chắc hơn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ mới.
Duy Hiền