Công ty TNHH Great Global Internanionnal là một trong những đơn vị tiêu biểu trong việc đảm bảo an toàn trong lao động cho người lao động. Ông Lê Đại Dương, Trưởng Ban ATVSLĐ của Công ty cho biết: Những năm qua, bên cạnh đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng doanh thu và nâng cao đời sống cho người lao động, doanh nghiệp luôn quan tâm và thực hiện tốt công tác ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hàng năm, Công ty tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho các an toàn vệ sinh viên, chính những an toàn vệ sinh viên này là kênh tuyên truyền hiệu quả những kiến thức về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ đến tận người lao động.
Năm 2018, Công ty đã mời đơn vị chức năng huấn luyện công tác ATVSLĐ và cấp chứng chỉ, chứng nhận với chi phí khoảng hơn 100 triệu đồng; tổ chức huấn luyện nội bộ công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cho đội PCCC cơ sở; đầu tư xây dựng hệ thống chữa cháy tự động tại xưởng…sắp xếp, bố trí dây chuyền sản xuất hợp lý, cải tiến quy trình, hướng dẫn công việc, thực hiện sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm giảm thiểu tối đa các yếu tố mất an toàn. Nhờ đó, đông đảo công nhân lao động không chỉ hiểu biết và có ý thức bảo vệ tính mạng, sức khỏe bản thân, còn thường xuyên được bồi dưỡng, huấn luyện về luật và những kỹ năng PCCN để chủ động ứng cứu kịp thời. Cùng với đó, Công ty tích cực cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động như: lắp quạt thông gió, hút bụi, giảm nguồn gây ồn, định kỳ bảo dưỡng máy… những cải thiện nhỏ này đã góp phần tạo nên môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Công tác khám sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động cũng được tiến hành mỗi năm 2 lần, qua đó, dựa vào kết quả khám bệnh mà có sự phân công công việc phù hợp với sức khỏe của người lao động. Với những hoạt động tích cực này, nhiều năm qua, Công ty đã không để xảy ra vụ tai nạn lao động nào.
Đồng chí Lâm Xuân Phương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Ban chỉ đạo ATVSLĐ của tỉnh khẳng định, với những hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, hướng về cơ sở trong Tháng hành động về ATVSLĐ đã thực sự tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động về công tác ATVSLĐ. Từ đó, mỗi đơn vị đều đã dành kinh phí, nhân lực để cải tạo môi trường làm việc và trang bị đầy đủ các thiết bị đảm bảo an toàn cho người lao động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chủ động xây dựng các chương trình nhằm phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và phòng, chống cháy nổ tại nơi làm việc. Những nỗ lực của các cấp, các ngành, các đơn vị… đã góp phần làm giảm số vụ và số người chết vì tai nạn lao động so với năm trước. Cụ thể, trong năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 59 vụ tai nạn lao động làm 62 người bị nạn (giảm 37 vụ và 44 người bị nạn so với năm 2017). Tuy vậy, vẫn có 3 vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra, làm 4 người chết, 2 người bị thương nặng; làm thiệt hại về tài sản là 1,8 tỷ đồng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 23 người mắc bệnh nghề nghiệp đang hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội.
Cũng qua công tác thanh, kiểm tra của ngành chức năng cho thấy vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các quy định về ATVSLĐ (như chưa quan tâm đầu tư trang thiết bị cải thiện điều kiện, môi trường làm việc và chăm sóc sức khỏe cho người lao động; việc kiểm định các thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động tại nhiều doanh nghiệp chưa được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc; một số người lao động còn chủ quan, chưa thực hiện đúng quy định về ATVSLĐ trong quá trình lao động, sản xuất; nhiều doanh nghiệp có báo cáo nhưng không đầy đủ các nội dung hoặc chậm so với thời gian quy định nên ảnh hưởng đến công tác quản lý của ngành chức năng…). Thực tiễn này đòi hỏi công tác đảm bảo ATVSLĐ cần tiếp tục được thực hiện quyết liệt hơn nữa, trước mắt là đưa các hoạt động trong Tháng hành động về ATVSLĐ đi vào thực tiễn, có chiều sâu.
Năm nay, Tháng hành động về ATVSLĐ được tổ chức với chủ đề "Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc", được diễn ra từ ngày 01 đến ngày 31/5 với mục đích nhằm thúc đẩy các chương trình hành động cụ thể trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm cải thiện điều kiện lao động; tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát các nội quy, quy trình bảo đảm ATVSLĐ; kỹ năng đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện Luật An toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra an toàn lao động tập trung nhiều vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động. Trên cơ sở đó, hướng dẫn họ thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn trong lao động cho người lao động một cách hiệu quả nhất.
Đào Hằng