Hơn chục năm bươn chải để nuôi hai con bị bại não bẩm sinh, gia đình anh Trần Văn Phương và chị Nguyễn Hồng Nhung ở thôn Chi Phong, xã Trường Yên, Hoa Lư lâm vào cảnh khó khăn, kiệt quệ. Trong căn nhà cấp bốn đã xuống cấp nghiêm trọng, chỉ cần quan sát thôi cũng đủ hiểu sự thiếu thốn của những người đang sinh sống nơi đây. Đồ đạc thì tuềnh toàng cũ kỹ, chiếc ti vi mỗi khi bật lên chỉ nghe được tiếng chứ không thể xem hình. Chính vì thế, thời gian qua đã có nhiều tổ chức, nhà hảo tâm đến động viên, giúp đỡ gia đình anh chị bằng những suất quà cùng tiền mặt để lo cho hai cháu.
Vào tháng 7/2017 vừa qua, nhà báo Nguyễn Văn Á, nguyên phóng viên một tờ báo có tiếng của Thủ đô đã đến thăm gia đình anh Phương, đồng thời mang cả một "ekip" về quay phim, chụp ảnh? Chị Nhung (vợ anh Phương) cho biết : "Bác Á đến đặt vấn đề muốn đưa hoàn cảnh gia đình tôi lên truyền hình và báo chí, đồng thời bác cam đoan sẽ tặng hai cháu nhà tôi 2 cuốn sổ tiết kiệm nhưng không nêu rõ số tiền. Sau hơn 3 tiếng quay phim và phỏng vấn, cuối cùng bác ủng hộ mỗi cháu 500 nghìn đồng và nói cuốn sổ tiết kiệm hôm nay chỉ trao tượng trưng, còn số tiền cụ thể bác sẽ thông báo và chuyển sau cho gia đình."
Tin rằng mình sắp có một khoản để trang trải cuộc sống và mua thuốc chữa bệnh cho con, chị Nhung không giấu nổi niềm vui mừng, phấn khởi. Ngày 26/8/2017, chương trình "Những trái tim đồng cảm" với nội dung kể về hoàn cảnh đáng thương của gia đình anh chị được phát sóng trên kênh truyền hình Quốc hội. Hình ảnh nhà báo Á trao hai cuốn sổ tiết kiệm cho cháu bé tật nguyền bỗng trở thành điểm nhấn . Thế nhưng, hi vọng để rồi thất vọng, từ khi lên sóng đến nay, gia đình chị vẫn chưa nhận được cái "lõi" của hai cuốn sổ tiết kiệm ấy. Gần nửa năm trôi qua, niềm vui ban đầu vụt tắt, thay vào đó là sự thất vọng khi một lần gọi điện cho nhà báo Á, đầu dây bên kia đã quát lên rằng: "Bác không phải là con nợ của nhà cháu!"
Trường hợp trên cho thấy, bên cạnh những người làm từ thiện chân chính, đâu đó vẫn còn những kẻ dựa vào từ thiện để đánh bóng tên tuổi và kiếm chác. Việc lấy nỗi đau , hoàn cảnh đáng thương của người khác ra làm bàn đạp để phục vụ cho mục đích "không trong sáng" là hành động vô cùng phản cảm. Từ hành động tốt đẹp ban đầu, giờ đây, từ thiện trở thành từ khóa vô cùng nhạy cảm. Nhiều người đi làm từ thiện nếu không "gióng trống khua chiêng" thì sợ rằng mọi người không biết đến việc làm "ý nghĩa" của mình.
Lý giải cho hiện tượng "từ thiện ảo" của một số cá nhân, tập thể thì nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là tâm lý muốn được nổi tiếng, được xã hội biết đến. Việc báo chí đưa những tin, viết bài về hoạt động thiện nguyện luôn hấp dẫn những nhà từ thiện dởm một cách kỳ lạ. Và đấy cũng chính là mục đích của họ. Nhờ đó họ mới có thể thu hút sự chú ý của dư luận và tạo niềm tin để các nhà tài trợ bỏ tiền. Trong khi trên thực tế, nhiệm vụ cao cả của truyền thông là tuyên truyền , giúp cộng đồng, xã hội nhận thức và quan tâm hơn đến những số phận bất hạnh , kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ những số phận kém may mắn hơn mình. Nếu không tỉnh táo, truyền thông lại vô tình trở thành công cụ cho những cá nhân, tổ chức từ thiện ảo họa động mạnh hơn.
Ngoài ra, việc không minh bạch trong quá trình làm từ thiện đã được phản ánh rất nhiều trong thời gian gần đây. Nhiều người vẫn hoài nghi về số tiền được quyên góp từ cộng đồng liệu có đến tay người nghèo một cách trọn vẹn hay lại bị chia năm xẻ bảy? Thực tế ra sao, chỉ có những người đi làm từ thiện mới biết được. Câu chuyện của gia đình anh Phương ở trên là minh chứng rất rõ ràng về tính minh bạch của hoạt động từ thiện. Tại sao sổ đã trao rồi, phóng sự cũng đã phát rồi nhưng chờ mãi vẫn không thấy tiền hỗ trợ đâu? Liệu gia đình anh còn phải đợi đến bao giờ ? Vì những trường hợp như thế mà đôi khi từ thiện lại mất đi tính nhân văn như vốn dĩ tên gọi.
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác từ thiện và đã có nhiều hoạt động ý nghĩa để khuyên khích và kêu gọi xã hội cùng phối hợp giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Vào dịp cuối năm âm lịch, hoạt động từ thiện càng diễn ra mạnh mẽ hơn bởi ai cũng mong người nghèo được đón một cái Tết ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, đừng để từ thiện chỉ là chuyện "hữu danh vô thực" mà mỗi người đi làm từ thiện nên xuất phát từ tấm lòng đồng cảm, giúp đỡ họ một cách thiết thực, không vụ lợi cá nhân. Có như thế, từ thiện mới thật sự là công việc ý nghĩa.
Vân Anh