Trong thời đại ngày nay, chúng ta có rất nhiều kênh để tiếp nhận thông tin như qua báo chí (báo in, báo điện tử, báo phát thanh - truyền hình…); qua kết nối Internet, các trang mạng xã hội, qua tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan… Tuy nhiên, với ưu thế vượt trội, hiện số người sử dụng Internet để truy cập thông tin trên thế giới cũng như ở Việt Nam đang tăng với tốc độ chóng mặt. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện Việt Nam có khoảng 50 triệu người sử dụng Internet (chiếm 53% dân số) và đứng thứ 16 trong top 20 quốc gia có số lượng người sử dụng intơnet nhiều nhất thế giới. Trong đó mạng xã hội có số người sử dụng nhiều nhất là Facebook. ở Việt Nam có khoảng 1/3 dân số đang sở hữu một tài khoản này.
Phải thừa nhận, internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã đem đến cho con người nhiều tiện ích khiến chúng ta có cảm giác không thể thiếu nó trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài việc giúp con người kết nối bạn bè, chia sẻ với nhau những thông tin, hình ảnh, cảm xúc về cuộc sống muôn màu muôn vẻ; mang đến những cơ hội kinh doanh, làm ăn mới cho những người năng động… mạng xã hội còn được xem là kênh truyền thông tin nhanh nhất và ít tốn kém nhất. Chỉ cần một chiếc điện thoại di động được kết nối Internet với một tài khoản đăng ký thì người dùng có thể truy cập, nắm bắt thông tin ở mọi lúc, mọi nơi.
Tuy nhiên, vì là mạng xã hội nên ai tham gia cũng có thể đọc, xem, bình luận; thậm chí ai cũng có thể là người sản xuất tin, đưa thông tin lên mạng mà không cần qua bất cứ khâu kiểm duyệt nào. Điều đó dẫn đến 2 tình huống, nếu thông tin tốt, mục đích trong sáng, hữu ích thì ngoài việc thỏa mãn nhu cầu thông tin của mỗi cá nhân, nó còn có tác dụng lan tỏa những điều tốt, ngăn chặn việc xấu. Ngược lại, nếu là thông tin do kẻ xấu bịa đặt, vu khống thì sẽ làm tổn thương, gây hại cho cá nhân, thậm chí cho quốc gia, dân tộc. Theo dõi mạng xã hội thời gian gần đây ta không khó bắt gặp hiện tượng "tâm lý đám đông" trong đọc, bình luận và chia sẻ thông tin. Có những câu chuyện, sự việc đưa lên mạng hoàn toàn mang tính cá nhân, chủ quan của người viết với dụng ý xấu nhưng lại tạo được sự hiếu kỳ của người xem nên đã được chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội, kèm theo vô vàn những lời bình (comment) và chia sẻ, gây nên tình trạng nhiễu loạn thông tin. Cũng có những trang cá nhân giả mạo, những bài viết xuyên tạc, mang tính thù địch đã được tung lên mạng nhằm thực hiện âm mưu chia rẽ khối đoàn kết dân tộc; lôi kéo, kích động chống phá Đảng và Nhà nước ta… Chính vì vậy, khi tham gia mạng xã hội mỗi người cần hết sức tỉnh táo, phân biệt được các dạng thông tin để không bị rơi vào những cái bẫy của kẻ xấu, đặc biệt cần thận trọng, có trách nhiệm khi bày tỏ suy nghĩ, ý kiến của mình qua việc bấm Like (thích), comment (lời bình) hoặc chia sẻ với bạn bè về một vấn đề nào đó. Bởi qua comment đó, nút Like đó người ta có thể hiểu và đánh giá bạn là người như thế nào, văn hóa, nhận thức ra sao? Hãy là người sử dụng mạng xã hội một cách thông minh và có trách nhiệm.
Hà Trang