Gia đình chị Đinh Thị Giang có 6 khẩu, thuộc xóm 8 (xã Thượng Kiệm, Kim Sơn). Gia đình làm nông nghiệp nên mọi chi tiêu trong gia đình, nuôi con ăn học, công to việc lớn của hai bên nội, ngoại, việc làng, xã đều trông chờ vào hơn 1 mẫu ruộng cấy. Nghèo thì cũng không đến mức, nhất là khi năng suất, sản lượng cây lúa trong những năm gần đây luôn được duy trì và tăng lên... nhưng để làm được thì thật là khó. Đấy là chưa kể khi gặp thời tiết, khí hậu bất thuận, sâu bệnh phá hoại, mất mùa cuộc sống gia đình cũng khá chật vật. Với bản tính năng động, chịu khó tìm tòi học hỏi, chị Giang đã đến các địa phương: Nghĩa Hưng, Hải Hậu (Nam Định); Khánh Nhạc (Yên Khánh)... tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tại các mô hình của các địa phương trên. Để thực hiện ý nguyện của mình, chị đã xin xã, HTX dồn đổi toàn bộ đất 313 của gia đình về khu vực đồng ruộng sát nhà và tiến hành chuyển đổi hình thức canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Lúc đầu trồng ngô, khoai, sắn dây... nhưng rồi một thời gian thấy không hiệu quả, lại vất vả. Từ vốn kiến thức về kỹ thuật canh tác nông nghiệp học tập được qua tham quan học hỏi ở các mô hình; qua sách, báo và các buổi tập huấn kỹ thuật của huyện... năm 2010 gia đình chị quyết định thực hiện mô hình canh tác đa ngành trên cùng một khu đất. Chị Giang cho biết: Ruộng được lên luống rộng 1,5-2 m, bên trên là khung giàn; xen kẽ các luống là những rãnh nước rộng 0,5-0,7 m. Công thức canh tác trong năm của mô hình là: dưới rãnh nuôi ốc, trạch, cá; mặt luống trồng dưa lê, cà chua, rau; trên giàn là các cây dây leo bí xanh, dưa chuột, mướp đắng. Đã 4 năm qua, gia đình chị phát triển kinh tế theo cách này và đem lại hiệu quả cao, thu lãi 20 triệu đồng/sào. Năm 2013, chị tiếp tục mượn thêm 4 sào ruộng của anh em để mở rộng mô hình. Hiện gia đình chị đang trồng 8.000 hốc cà chua; 1.000 hốc thanh long ruột đỏ và hàng chục nghìn gốc su hào. Điều đặc biệt là các sản phẩm làm ra đều thuộc diện trái vụ nên bán được giá khá cao...
Khi chúng tôi đến thăm mô hình (cuối tháng 11-2013) đang là thời kỳ thu hoạch rộ của cây cà chua, với hơn 8 sào đã thu hoạch hơn 3 tấn quả, dự kiến hết vụ sẽ thu được khoảng 18 tấn. Thời kỳ đầu, giá bán buôn tại nhà tới 12.000 đồng/kg và hiện tại còn 8.000-10.000 đồng/kg. Được biết, chỉ riêng cây cà chua, năm 2012 ở diện tích hơn 4 sào, gia đình đã thu được 170 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 120 triệu đồng. Đối với ốc, cá, trạch nuôi dưới rãnh, thường vào dịp giữa hoặc cuối năm, bắt những con to, lớn bán và cho thu nhập khoảng 20-30 triệu đồng/năm. Với những cây dây leo trên giàn, hàng năm cho thu nhập cũng khoảng như vậy... Ước tính doanh thu từ mô hình 3 trong 1 của gia đình chị Giang mỗi năm khoảng vài trăm triệu đồng.
Nói về mô hình, đồng chí Trần Văn Công, Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Kim Sơn cho biết: Đây là mô hình canh tác nông nghiệp mới, rất hiệu quả. Để nhân rộng được mô hình cần phải có sự tích tụ rộng đất cùng với hành lang pháp lý đi kèm. Được biết, huyện Kim Sơn, xã Thượng Kiệm đã và đang tích cực thực hiện công tác "Dồn điền, đổi thửa"; Bộ Sở Nông nghiệp & PTNT cũng đã có Thông tư 47/2013/TT-BNNPTNT về việc hướng dẫn chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Đó sẽ là cơ sở, điều kiện cho các mô hình canh tác nông nghiệp có hiệu quả như trên được nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Đinh Chúc