Nằm ở trung tâm huyện có lợi thế đất đai màu mỡ, được bồi đắp từ phù sa sông Vạc, cánh đồng Cốc Mối, Mả Già thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh) đang trả công cho những người nông dân ngày ngày chuyên cần trên đồng ruộng với mức thu nhập cả trăm triệu đồng/ha/năm. Chị Nguyễn Thị Hòa tâm sự: Cũng chỉ bấy nhiêu ruộng đất, nhưng trước đây có ai dám nghĩ đến 100 triệu đồng/1ha. Nay, một sào đất ở vùng này chí ít cũng phải thu từ 3-4 triệu đồng/vụ. Riêng tôi, từ 3 sào ruộng khoán trồng rau màu, thực hiện phương pháp canh tác xen canh 2 vụ lạc, một vụ rau, đồng thời đưa các giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập trên 40 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với trước đây.
Ông Nguyễn Văn Sinh, cán bộ HTX nông nghiệp Ninh Hồng, thị trấn Yên Ninh cho biết: Là địa bàn thuộc thị trấn nhưng hầu hết bà con phố Cầu Rào đều sống bằng nghề nông. Những năm trước đây, trên vùng đất này bà con trồng lạc, ngô là chính, mỗi năm sản xuất 2 vụ cũng chỉ đủ trang trải cho cái ăn hàng ngày. Được nhà nước đầu tư kinh phí làm thủy lợi và thực hiện dồn điền đổi thửa, nhiều hộ mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành nhiều phương thức luân canh khác nhau, cho thu nhập trên 120 triệu đồng/ha/năm.
Rời thị trấn Yên Ninh đến với xã Khánh Hải, khắp các cánh đồng là màu xanh ngút ngàn của bí và khoai tây. Những người nông dân ở đây đang thu hoạch lứa bí xanh cuối cùng để giải phóng đất làm vụ lúa xuân, họ phấn khởi khoe với chúng tôi: Năm nay giá bí xanh cao gấp 1,5-2 lần so với năm ngoái nên nhà nào trồng 4-5 sào bí là có một cái Tết no đủ. Trao đổi với đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hải Nguyễn Văn Nghị, được biết: Trước đây sản xuất nông nghiệp của xã chỉ đạt 70-80 triệu đồng/ha nay chuyển đổi tăng lên 130 triệu đồng/ha. Có được kết quả này là do thời gian qua xã đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, vừa đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vừa mở rộng diện tích sản xuất vụ đông, đồng thời thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn đưa cơ giới vào sản xuất... Trong sản xuất lúa, khi thực hiện cánh đồng mẫu lớn với việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch đã giảm chi phí sản xuất từ 3-4 triệu đồng/ha, năng suất lúa lại tăng từ 5-10%, do vậy thu nhập của người nông dân tham gia mô hình cao hơn so với sản xuất đại trà từ 10-15%. Còn với cây vụ đông, trước kia mỗi vụ toàn xã chỉ gieo trồng trên dưới 100 ha thì hiện nay diện tích này đã là 350 ha. Mô hình lúa đông xuân + lúa mùa + bí xanh đông ở đây có thể thu nhập 150 triệu đồng/ha/năm, còn mô hình lúa đông xuân+lúa mùa+ khoai tây, khoai lang, ngô thu nhập trung bình cũng vào 120-130 triệu đồng/ha.
Để tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nền sản xuất hàng hóa, việc nhân rộng những cánh đồng hiệu quả kinh tế cao đang được nhiều địa phương quan tâm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các địa phương này đang gặp một số vấn đề khó khăn như: bài toán đầu ra cho nông sản, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật như giao thông, thủy lợi chưa hoàn thiện... Ngoài một số cây trồng như ngô ngọt, lúa giống, ngô giống... được các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, vẫn còn nhiều sản phẩm của nông dân gặp khó khăn về đầu ra hoặc phải bán rẻ. Với một số sản phẩm khi mở rộng sản xuất thì lại bị khủng hoảng thừa.
Trong kế hoạch năm 2013, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung nghiên cứu, khảo nghiệm để chọn lọc các loại giống cây mới phù hợp với điều kiện đất đai ở địa phương nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Đồng thời tham mưu cho các địa phương quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh các loại cây trồng; tìm kiếm các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài tỉnh ký hợp đồng tiêu thụ nông sản cho nông dân. Phát triển các phương thức canh tác bền vững, giám sát và kiểm soát dư lượng hóa chất, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp... nhằm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản. Đối với cây lúa, đây vẫn là một cây trồng chủ lực và là nguồn thu quan trọng của phần lớn hộ nông dân, do vậy ngành cũng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hướng đến mục tiêu hạ giá thành, nâng cao hiệu quả canh tác ở vùng độc canh cây lúa.
Nguyễn Lựu