Gia đình bà Trần Thị Cậy ở xóm 3 xã Kim Trung là hộ nghèo lâu năm của xã. Bảy đứa con đang tuổi ăn, tuổi học khiến nỗ lực của bố mẹ như "muối bỏ biển". Đầu năm 2017, bà Cậy lại là một trong những hộ hăng hái viết cam kết sẽ thoát nghèo. Với mức hỗ trợ 15 triệu đồng khi bà Cậy tham gia vào Dự án hỗ trợ sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững tuy không thấm vào đâu so với kế hoạch cải tạo ao đầm song cũng tạo được "lực đẩy" để gia đình bà thêm nghị lực, niềm tin để vươn lên. Vậy nhưng kết thúc năm 2018, bà Cậy vẫn chưa thể ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
Dẫn chúng tôi đi tham quan mấy vuông ao nuôi tôm giống, bà Cậy phân trần, gia đình tôi nuôi tôm lâu rồi nhưng là hình thức nuôi quảng canh, năng suất không cao. Được hỗ trợ 15 triệu đồng từ Dự án hỗ trợ sinh kế và giảm nghèo bền vững của các xã vùng bãi ngang, bà Cậy mạnh dạn vay mượn thêm từ ngân hàng và anh, em để đầu tư làm ao nổi. Từ khi nuôi ao nổi, hiệu quả nuôi tôm giống cao hơn hẳn với sản lượng tôm sống tăng từ 30-40% so với cách nuôi cũ. Mặc dù chất lượng tôm không cao, chủ yếu bán cho các hộ nuôi quảng canh, tuy nhiên nếu thuận lợi, mỗi tháng gia đình bà xuất tôm giống 1 lần cũng cho thu nhập từ 10-15 triệu đồng.
Tuy nhiên, bà Cậy cho biết: "Mặc dù đã làm ao nổi, nhưng những vuông tôm của gia đình tôi vẫn thiếu các công cụ quan trọng như quạt, máy tạo ôxy, máy phát điện… thành ra tôi không thể nuôi được tôm thịt, dù biết rằng nuôi tôm thịt có hiệu quả kinh tế hơn tôm giống. Và ngay cả khi chấp nhận chỉ nuôi tôm giống thì vấn đề "được, mất" cũng hoàn toàn bị động. Do thiếu các thiết bị tạo ôxy, máy phát điện nên chỉ cần đột ngột mất điện trong ngày thả tôm thì tôm sẽ chết, như vậy là mất trắng tầm 30 triệu tiền giống rồi. Muốn đầu tư thêm các thiết bị hiện đại phục vụ cho nuôi thủy sản, nhưng không thể, vì là hộ nghèo nên gia đình tôi chỉ có thể vay được 100 triệu đồng từ ngân hàng, khi bắt tay làm ao nổi, tôi đã phải vay thêm bên ngoài với lãi suất cao hơn. Bây giờ không thể vay thêm để đầu tư nữa, bởi hàng tháng gia đình tôi vẫn phải trả lãi ngân hàng và lãi cho các khoản vay ngoài tổng cộng 4 triệu đồng. Chặng đường thoát nghèo của gia đình thêm phần gian nan"- bà Cậy chia sẻ.
Gia đình ông Đào Văn Hưởng cũng là 1 hộ nghèo "bền vững" nhiều năm của xã Kim Trung. Cách đây 3 năm, con trai út của vợ chồng ông bị tai nạn giao thông, để cứu chữa cho con, ông bà vay nợ lên tới trên 200 triệu đồng. Trong khi đó, nguồn thu duy nhất của ông bà đó là đầm tôm nuôi theo hình thức quảng canh, năng suất thấp. Có thời điểm, ông Hưởng để lại ao đầm cho vợ trông nom, còn bản thân thì đi làm thuê kiếm tiền trả lãi. Năm 2015, được anh em hỗ trợ thêm vốn, chính quyền địa phương tạo điều kiện để ông tham gia vào Dự án hỗ trợ sinh kế và giảm nghèo bền vững, gia đình ông quyết định cải tạo ao đầm nuôi theo hướng công nghiệp với đầy đủ 3 giàn quạt, 1 sục tạo ôxy, máy phát… và quy hoạch riêng ao chứa nước, ao nuôi, ao chứa nước thải… với quyết tâm sẽ sớm thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu. Nhưng từ khi nuôi công nghiệp đến nay, ông Hưởng đã 3 lần thả giống thì cả ba lần tôm đều chết, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Thẫn thờ sau khi vừa vớt tôm chết lên, ông Hưởng cho biết: không hiểu sao lần nào thả xong, tôm cũng chết. Sau lần này, chắc tôi phải nghỉ một thời gian vì đâu còn vốn mà làm. Trong khi đó, mỗi tháng gia đình tôi vẫn phải gồng mình trả trên 3 triệu đồng tiền lãi, ngót 3 triệu đồng tiền điện và các khoản khác để duy trì ao đầm.
Xã Kim Trung là một trong các xã bãi ngang có nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế của huyện Kim Sơn. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn trên 11%. Không có bất kỳ nghề phụ nào khác, thu nhập của hầu hết người dân Kim Trung là nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, toàn xã có 564/1.026 hộ nuôi thủy sản, chiếm trên 50%. Tuy nhiên, chỉ có 76 hộ trong số đó là nuôi thủy sản theo hướng công nghiệp với tổng diện tích 18 ha, còn lại là nuôi theo lối quảng canh, năng suất thấp. Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, để nuôi thủy sản theo hướng công nghiệp đòi hỏi các hộ phải có số vốn đầu tư lớn, trình độ, kiến thức về nuôi trồng thủy sản phải vững và địa phương phải có quy hoạch vùng nuôi thủy sản theo lối công nghiệp. Trong khi đó, kinh tế của các hộ gia đình làm thủy sản ở Kim Trung còn nhiều khó khăn, quen lối nuôi truyền thống… nên chưa đáp ứng được yêu cầu.
Xác định hướng giảm nghèo của xã vẫn lấy nuôi trồng thủy sản làm hướng đi mũi nhọn, hiện nay, địa phương đang xây dựng vùng nuôi ngao, hàu giống với diện tích trên 120 ha, đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, xã đã lựa chọn 58 hộ nghèo, cận nghèo để tham gia Dự án hỗ trợ sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững của các xã bãi ngang.
Thực hiện chương trình này, xã Kim Trung xây dựng 3 dự án, đó là: dự án nuôi tôm thẻ bán thâm canh theo hướng an toàn sinh học; nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh theo hướng an toàn sinh học và hỗ trợ mô hình nuôi cua biển bán thâm canh với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng. Những hộ tham gia vào dự án là những hộ quyết tâm thoát nghèo và có lao động để tham gia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi tham gia thực hiện dự án này, ngoài việc các hộ được hỗ trợ tập huấn và chuyển giao KHKT; được các cán bộ của Trạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản sát cánh tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật… thì với mức hỗ trợ 15 triệu đồng/ hộ chỉ đủ để các hộ mua một phần giống, thức ăn… chứ chưa thể đầu tư cải tạo ao đầm… "Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, thời gian tới, xã Kim Trung mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn trong việc tập huấn, chuyển giao KHKT về nuôi trồng thủy sản, đồng thời mong muốn ngân hàng có thể nâng mức trần cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo để các hộ có điều kiện đầu tư trọng tâm, trọng điểm đạt hiệu quả cao hơn trong nuôi trồng thủy sản"- ông Phạm Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm.
Bài, ảnh: Đào Hằng