Diện tích nhiễm tăng nhanh
Trên khắp các cánh đồng lúa của HTX Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh), từ 2- 3 ngày nay bà con nông dân đã phải cấp tốc xuống đồng phun thuốc trừ bệnh đạo ôn. Những vết bệnh xuất hiện rải rác, chỉ trong vài ngày đã lan rộng với nhiều vết bệnh cấp tính. Ông Vũ Văn Chỉ, xóm Trại, xã Khánh Nhạc cho biết, vụ xuân năm nay gia đình tôi cấy hơn 5 mẫu, chủ yếu là giống lúa Nhật và lúa thơm nhưng đến thời điểm này hầu hết đã bị bệnh đạo ôn gây hại. Tôi đã được HTX hướng dẫn sử dụng một số loại thuốc để phòng trừ và hiện đã phun được gần hết diện tích.
Còn theo ông Vũ Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Hợp Tiến, năm nay do thời tiết âm u, ngày nóng, đêm sương mù dày nên bệnh đạo ôn xuất hiện rất sớm. Mặc dù ngay sau khi phát hiện bệnh, Tổ BVTV của HTX đã trực tiếp đi kiểm tra tại đồng ruộng, đồng thời chỉ đạo bà con sử dụng các thuốc đặc trị để phun trừ. Tuy nhiên, đến nay bệnh vẫn tiếp tục lan rộng, trừ diện tích cấy giống Đài Thơm còn lại toàn bộ các giống lúa khác đều đã bị nhiễm. Thậm chí gia đình nào lơ là, không phun trừ lúa còn bị lùn lụi, đỏ rực cả một vùng. Để khống chế bệnh đạo ôn triệt để, HTX đang tiếp tục hướng dẫn cho bà con nông dân phun phòng bắt buộc trên tất cả các trà lúa, giống lúa. Đối với những diện tích bị bệnh nặng phải phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 5-7 ngày, trước khi phun thuốc thì loại bỏ, tiêu hủy các lá bị bệnh nặng. Bên cạnh đó, HTX cũng cung ứng đầy đủ các loại thuốc BVTV đảm bảo chất lượng và khuyến cáo bà con phun trừ theo đúng quy trình kỹ thuật, hiệu quả, tránh lãng phí.
Báo cáo từ Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết: Vụ đông xuân 2017-2018 bệnh đạo ôn lá trên lúa xuất hiện sớm và lây lan rất nhanh. Ngày 10/3, đạo ôn trên lá chỉ mới gây hại khoảng 25 ha lúa trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến ngày 17/4, diện tích này đã tăng lên trên 2.500 ha (tăng gấp 100 lần thời điểm bắt đầu xuất hiện và gấp hàng chục lần so với vụ đông xuân năm 2016-2017). Trong đó, diện tích bị nhiễm nặng là 365,8 ha; diện tích bị lùn lụi là 14,5 ha, tập trung ở các huyện Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn... Bệnh hại rộng trên các trà lúa xuân muộn, diện tích lúa gieo sạ, giống nhiễm như: Thiên ưu 8, TBR 225, Nếp, Cosy, LT2, Bắc thơm số 7, BC15, Nàng xuân, Thái xuyên 111...
Phun phòng theo tốc độ lúa trỗ
Được biết, bệnh đạo ôn do nấm Pyricularia oryzae gây ra. Nấm bệnh có thể tấn công trên lá, thân, cổ bông, cổ gié hoặc hạt lúa. Trên lá, ban đầu vết bệnh rất nhỏ, nhưng ở giữa vết bệnh, phần thịt lá đã bị hoại tử và đã biến thành khô xám, sau đó vết bệnh lớn dần và có hình thoi, đây là vết bệnh đặc trưng của đạo ôn. Khi bị nặng, nhiều vết bệnh liên kết lại với nhau làm cho toàn lá bị "cháy". Bệnh nguy hiểm nhất là khi nấm tấn công trên cổ bông và cổ gié, làm cho toàn bộ bông hoặc gié bị khô và gãy gục... Đặc biệt, bệnh này nếu phát hiện bệnh không kịp thời, để bệnh lây lan trên diện rộng thì khó có thể cứu vãn được lúa mà chỉ phun thuốc để hạn chế sự lây lan của bệnh ra quy mô lớn hơn.
Theo dự báo của ngành chuyên môn, thời gian tới là thời điểm chuyển mùa nên diễn biến thời tiết khó lường, trong thời gian lúa trỗ có thể có mưa kéo dài, ẩm độ cao thuận lợi cho đạo ôn cổ bông phát sinh, gây hại.
Bà Đỗ Thị Thao, Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và BVTV khuyến cáo: Trong thời gian này, các HTX, bà con nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phân rõ các trà lúa, theo dõi sát diễn biến thời tiết, dịch hại. Phun phòng theo tốc độ lúa trỗ trên những ruộng đã bị bệnh đạo ôn lá, ruộng xanh tốt, gần nguồn bệnh, cấy giống nhiễm. Thời gian phòng trừ là khi lúa thấp thó trỗ từ 3-5%. Đối với những ruộng bị đạo ôn lá nặng cần phun kép hai lần, lần 2 cách lần 1 từ 5-7 ngày bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu: Katana 20SC, Bump 650WP, Filia 525EC, FuJione 40WP, Beam 75WP, Kabim 30WP, Bamy 75WP, Fu-army 30WP… Tuyệt đối không bón đạm khi lúa đang bị bệnh. Ngoài ra, các địa phương cần tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh buôn bán cũng như sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn.
Hà Phương