Phóng viên (P.V): Đồng chí cho biết kết quả nổi bật của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Ninh Bình trong những năm học qua ?
Đ/c Trần Quang Ánh: Trong những năm gần đây, sự nghiệp GD&ĐT của Ninh Bình có bước phát triển toàn diện, khá vững chắc. Quy mô trường, lớp các cấp học được duy trì, ổn định đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Ninh Bình được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 theo Thông tư 36 của Bộ Giáo dục và Đào tạo tháng 10-2011, đang phấn đấu đạt chuẩn mức độ 2 vào năm 2014; công tác phổ cập giáo dục THCS luôn được duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng; 8/8 huyện, thành phố, thị xã đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đang đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo về kiểm tra công nhận.
Cơ sở vật chất được tăng cường, tỷ lệ phòng học kiên cố toàn ngành đạt 83,5%. Phong trào xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia đạt kết quả khá tốt, đến nay tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia các cấp học đạt 72,3%; trong đó, mầm non đạt 60,7%, tiểu học 100% đạt chuẩn mức độ 1 (có 29,3% đạt chuẩn mức độ 2), THCS đạt 64,8%, THPT đạt 22,2%. Tỉ lệ thư viện trường học đạt từ chuẩn trở lên 97,9% (trong đó thư viện đạt xuất sắc chiếm 45,3%). Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" được đẩy mạnh với 70,23% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và Trung tâm GDTX đạt danh hiệu "Trường học thân thiện, học sinh tích cực". Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đủ về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng lên với tỷ lệ đạt chuẩn trở lên chiếm 99,81% (trong đó trên chuẩn đạt 71,5%)…
Chất lượng giáo dục của Ninh Bình từng bước được khẳng định trong khu vực Đồng bằng sông Hồng cả chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở mầm non, tỷ lệ học sinh học lực yếu ở tất cả các cấp học đều giảm so với những năm học trước; tỷ lệ học sinh học lực khá, giỏi có chuyển biến đáng kể. Giáo dục mũi nhọn luôn được quan tâm; những năm gần đây, chất lượng giải và số lượng học sinh đoạt giải học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 giữ ở mức ổn định cao (tỷ lệ học sinh dự thi đoạt giải: năm 2011 đạt 73,43%, năm 2012 đạt 81,25%, năm 2013 đạt 74, 62%), luôn có học sinh tham gia đội tuyển Quốc gia để chọn tham dự kỳ thi Olympic quốc tế.
Kết quả thi Đại học của học sinh Ninh Bình luôn xếp trong tốp 10 tỉnh, thành toàn quốc đạt điểm cao bình quân 3 môn thi; đặc biệt, năm 2013, Ninh Bình xếp thứ 2 toàn quốc với 6 trường THPT lọt vào tốp 200 trường có điểm thi cao nhất. Các cuộc thi: Giải toán trên máy tính Casio và Vinacal; giải Toán, Olympic tiếng Anh trên mạng Internet... cấp khu vực, cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, học sinh của Ninh Bình đều giành được thành tích cao. Năm 2012, tham dự Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VIII tại Cần Thơ, đoàn Ninh Bình giành được 19 huy chương (trong đó có 5 huy chương Vàng), xếp thứ 16 trong bảng tổng sắp huy chương của 63 tỉnh, thành phố tham dự.
Ngành GD&ĐT Ninh Bình liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học; được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2010, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì về thành tích xuất sắc giai đoạn 2005-2010, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ thi đua tiêu biểu xuất sắc năm học 2010-2011 và năm học 2012-2013…
P.V: Thưa đồng chí, Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Bộ GD&ĐT vừa được thông qua tại Hội nghị Trung ương 8. Đối với tỉnh Ninh Bình, đến nay, Đề án đã được triển khai như thế nào và trong năm học 2013-2014, ngành GD&ĐT Ninh Bình đã đề ra những mục tiêu, giải pháp gì để thực hiện hiệu quả Đề án ?
Đ/c Trần Quang Ánh: Căn cứ Kết luận Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu với Tỉnh ủy xây dựng Chương trình hành động số 17 thực hiện Kết luận số 51-KL/T.Ư tại Hội nghị Trung ương 6; tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 39 triển khai thực hiện Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 23-2-2013 của Tỉnh ủy và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 22-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Theo đó, các nhiệm vụ và giải pháp đổi mới được cụ thể hóa trong nhiệm vụ trọng tâm năm học 2013-2014 đang được Sở triển khai thực hiện, trọng tâm tập trung vào một số nội dung cụ thể như: Thực hiện đổi mới công tác quản lý giáo dục; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, thi cử, đánh giá học sinh; chú trọng công tác giáo dục đạo đức, nhân cách, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh.Tiếp tục duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; phấn đấu kết thúc năm học 2013- 2014, nâng tỷ lệ phòng học kiên cố toàn tỉnh lên 84%. Phấn đấu 99,9% cán bộ, giáo viên đạt trình độ đào tạo chuẩn trở lên; tiếp tục rà soát năng lực, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ giáo viên tiếng Anh của tỉnh; tổ chức khóa bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh tại Singapore theo Kế hoạch thực hiện Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020" tỉnh Ninh Bình.
Xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 20-7-2013 của HĐND tỉnh phê duyệt Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030; thực hiện chuyển đổi trường THPT dân lập Nguyễn Công Trứ sang loại hình tư thục; chuyển đổi trường THPT bán công thành phố Ninh Bình thành trường THPT Ninh Bình - Bạc Liêu loại hình công lập (được HĐND tỉnh phê duyệt theo Nghị quyết số 12 ngày 14-10-2013); tiếp tục xây dựng Đề án sáp nhập Trung tâm Tin học và Ngoại ngữ và Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp - Dạy nghề, sáp nhập các trung tâm GDTX với cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh…
Toàn ngành Giáo dục và Đào tạo quyết tâm triển khai thực hiện tốt Đề án đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Mỹ Hạnh (thực hiện)