Hiệu quả từ việc tập trung ruộng đất Từ khi tỉnh thực hiện dồn điền, đổi thửa trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh đã và đang tiến hành thử nghiệm tích tụ ruộng đất trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa bằng cách thuê lại ruộng của nông dân, trả theo mức độ thu nhập bình quân của người dân trên diện tích đất đó, theo từng chân đất, từng vùng sinh thái; hoặc đặt hàng các HTX sản xuất các sản phẩm cung cấp lại cho doanh nghiệp, hoặc các hộ nông dân chủ động tập trung ruộng đất bằng hình thức liên kết hình thành các tổ hợp tác cùng sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp.
Đến nay, toàn tỉnh đã tập trung được 800 ha, chủ yếu là đất 2 lúa và đất màu đồi chuyển sang sản xuất lúa hàng hóa, cây dược liệu và rau quả... Thực tế cho thấy, sau khi thuê, mượn ruộng, chủ sử dụng dù là cá nhân hay doanh nghiệp, HTX đều đã tổ chức trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương. Nhiều nơi đã hình thành mô hình nông nghiệp công nghệ cao với các thiết bị hiện đại, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với cách thức sản xuất trước đây và đưa những người nông dân trở thành công nhân lao động trên chính thửa ruộng của mình.
Mô hình trồng rau, củ, quả sạch của gia đình ông Tống Viết Lư, xã Mai Sơn, huyện Yên Mô là một minh chứng cho thấy sự thành công từ việc thuê lại đất của người dân. Với mong muốn có diện tích lớn để sản xuất hàng hóa, từ năm 2013 đến nay, gia đình ông Lư đã mượn và thuê lại 5 ha đất của bà con trong xã trồng các loại loại rau an toàn cung ứng ra thị trường. Hầu hết diện tích này trước đây bà con nông dân đều trồng ngô, lạc, đậu hiệu quả thấp.
Nhờ áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn và ứng dụng các quy trình công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nên toàn bộ diện tích gieo trồng của gia đình ông Lư đều được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ký kết bao tiêu sản phẩm.
Ông Lư cho biết: "Diện tích đất thuê lại của nông dân được gieo trồng đa dạng các loại rau củ quả theo mùa: cà chua, dưa chuột, mồng tơi, bí xanh, bí đỏ, rau muống... Các cây trồng đều cho hiệu quả hơn so với sản xuất lúa truyền thống. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu lãi từ 300-400 triệu đồng".
Cùng với phát triển kinh tế hộ, ông Lư còn ưu tiên chọn chính những lao động có đất cho thuê để làm lâu dài. Hiện gia đình ông Lư đang giải quyết việc làm cho 10 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người/tháng.
Từ năm 2016 đến nay, Tổng Công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình đã tập trung hơn 200ha đất nông nghiệp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh để sản xuất lúa, khoai tây, đậu tương rau, khoai sọ, khoai lang, dưa lê…theo chuỗi khép kín. Các sản phẩm của Công ty đã và đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Ông Vũ Văn Nga, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình cho biết: Bằng cách phối hợp với chính quyền các địa phương vận động các hộ nông dân có ruộng bỏ hoang cho thuê lại, Công ty đã có diện tích tương đối lớn để đổi mới cơ cấu cây trồng và áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Hiệu quả sản xuất của Công ty được nâng lên và doanh thu trên diện tích đất thuê ước đạt từ 200 - 300 triệu đồng/ha/năm.
Người nông dân cho Công ty thuê lại ruộng để sản xuất trong thời hạn từ 5 năm đến 10 năm với mức cho thuê là 110kg thóc/sào/năm. Ngoài ra, người dân cho thuê đất có thể được Công ty tuyển chọn làm lao động với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng.
Như vậy, hình thức tập trung ruộng đất ban đầu đã đem lại hiệu quả cao hơn so với sản xuất nông hộ, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, hiện đại hóa sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra những sản phẩm đủ lớn, chất lượng tốt, khả năng cạnh tranh cao góp phần nâng cao giá trị gia tăng.
Vẫn còn những khó khăn
Các mô hình tập trung ruộng đất trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được hiệu quả và là hướng đi đúng trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề tập trung ruộng đất trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn và trở thành một trong những "rào cản" lớn để phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, người nông dân luôn có tư tưởng giữ đất, vì với họ đất là tài sản quý giá nhất để sản xuất và duy trì cuộc sống, nên khi nhà nước vận động cho doanh nghiệp thuê lại đất thì họ luôn sợ bị mất đất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn thuê với diện tích đất lớn gặp nhiều khó khăn trong công tác vận động. Ví dụ doanh nghiệp cần 20ha, tức là tương đương với 100 hộ xã viên có đất trên diện tích này, nhưng chỉ cần 1 vài hộ xã viên không đồng ý thì việc vận động cho thuê lại đất sẽ khó thành công.
Sau khi doanh nghiệp thuê được đất của dân để sản xuất lớn, muốn có lợi nhuận thì phải đầu tư công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất, sử dụng rất ít công lao động, nếu có thuê lại người nông dân thì cũng chỉ là số lượng nhỏ. Do đó lực lượng lao động nông nghiệp sẽ dư thừa và đối mặt với thiếu việc làm.
Ngoài ra, Ninh Bình có rất nhiều cánh đồng lớn, thậm chí đã quy hoạch cánh đồng lớn, nhưng lại chưa sản xuất lớn được bởi vì cánh đồng lớn nhưng sự sở hữu và cách thức sản xuất manh mún. Chẳng hạn 1 cánh đồng rộng 100ha thì có tới 600-700 hộ dân sở hữu, từng hộ tự do sản xuất theo ý mình. Để sản xuất lớn, ngoài việc vận động cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng thì cần thiết là phải liên kết các hộ dân lại, sản xuất đồng trà, đồng giống, ứng dụng khoa học công nghệ đồng bộ, có liên kết tiêu thụ sản phẩm thì tự nhiên sẽ trở thành sản xuất hàng hóa, nhưng vấn đề này tỉnh ta vẫn chưa làm được.
Để thu hút các doanh nghiệp, HTX, cá nhân đầu tư, phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, sản phẩm an toàn, có giá trị và hiệu quả kinh tế cao theo mục tiêu Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đề ra đòi hỏi phải tập trung những diện tích đủ lớn gắn liền với quy hoạch của địa phương. Nhà nước và tỉnh cần có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn về "hạn điền".
Tỉnh đã kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Chính phủ xem xét thành lập "Ngân hàng đất nông nghiệp" để người dân có đất khi không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp, coi đất như tài sản gửi vào ngân hàng để lấy lãi. Về phía Ngân hàng sẽ sử dụng quỹ đất này cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vay đầu tư sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai, đặc biệt trong việc tập trung ruộng đất và chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp. Ngoài ra, còn phải có chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân dồn điền, đổi thửa, cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng…
Bài, ảnh: Hồng Giang