Đến Trường THPT Vũ Duy Thanh (Yên Khánh) những ngày cuối tháng 5, trong cái nắng oi bức đầu hè vẫn không giảm đi tinh thần nhiệt huyết của thầy, trò nhà trường đang tranh thủ thời gian để ôn tập, trang bị thêm kiến thức cho học sinh tham gia kỳ thi THPT Quốc gia sắp tổ chức vào đầu tháng 7. Thầy giáo Phạm Văn Ba, giáo viên Hóa cho biết: Với việc tiếp tục thực hiện thi theo tinh thần đổi mới tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia của Bộ, đối với môn Hóa tổ chức ôn tập theo 3 giai đoạn. Trên kế hoạch nhà trường, tổ chuyên môn thống nhất kế hoạch, nội dung ôn, tổ chức xây dựng, làm đề cương ôn tập, đưa học sinh trước khi tổ chức ôn và tuân thủ nôi dung trong kế hoạch từng giai đoạn ôn tập. Đặc biệt theo định hướng đề thi có 60% kiến thức cơ bản, 40% kiến thức nâng cao, phân hóa học sinh, do đó giáo viên bộ môn chủ động trong khai thác thông tin từ trang thông tin của Bộ, ngoài kiến thức cơ bản trên lớp, giáo viên cho học sinh làm bài tập mức độ khó dần, làm thử với các đề thi minh họa do Bộ phác thảo, chữa cho học sinh để học sinh có thể hình dung kiến thức ở mức độ nào, đồng thời để giáo viên có biện pháp cụ thể giúp các em tích lũy thêm kiến thức, tự tin khi làm bài thi. Thầy giáo Nguyễn Văn Tuy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2015-2016, Trường THPT Vũ Duy Thanh có 281 học sinh dự thi (học sinh khối 12 là 268 em, 13 thí sinh tự do), trong đó học sinh đăng ký dự thi với 6 môn Văn, Toán, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Địa lý; có 177 học sinh đăng ký thi cụm quốc gia và 91 học sinh thi cụm địa phương chỉ để xét tốt nghiệp; 100% học sinh đủ điều kiện dự thi. Theo tinh thần đổi mới, bám sát chủ trương, quy chế, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, nhà trường đã tổ chức tuyên truyền cho giáo viên, học sinh về kỳ thi để học sinh hiểu và nắm vững quy định, quy chế của kỳ thi ngay từ cuối năm lớp 11.
Nhà trường cử giáo viên cốt cán dự các lớp tập huấn của Sở GD-ĐT về đổi mới thi, thông qua hệ thống giáo viên cốt cán triển khai, phổ biến quy chế thi đối với toàn thể giáo viên trong trường. Đồng thời chủ động khảo sát, cho học sinh đăng ký môn thi tự chọn. Nhà trường chú trọng khâu tư vấn, hướng nghiệp cũng như lựa chọn khối thi phù hợp với năng lực của học sinh. Theo đó, tổ chức ôn tập cho học sinh ở 6 môn với lịch ôn cụ thể, đảm bảo chương trình ôn tập và khối lượng kiến thức cho học sinh theo 3 giai đoạn ôn (giai đoạn 1 bắt đầu từ 18/4-29/4 tập trung ôn tập vào các buổi chiều trong tuần từ 16 tiết trở lên, tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch ôn thi THPT Quốc gia; giai đoạn 2 từ 2-24/5 ôn kiến thức nền, cơ bản cho cả hai đối tượng tốt nghiệp và xét đại học; giai đoạn 3 từ 29/5-26/6 rèn kỹ năng làm bài và phân loại đối tượng).
Đồng thời tổ chức thi thử và đánh giá học sinh theo lịch và đề thi của Sở GD-ĐT; tổ chức thi đại học theo đề thi nhà trường với nhiều vòng thi, so sánh kết quả qua từng vòng với từng bộ môn, theo sự tiến bộ của học sinh ở từng môn nhằm đánh giá chất lượng của học sinh để nâng cao kiến thức cho các em. Quan điểm ôn tập của nhà trường đã duy trì nhiều năm nay đó là các bộ môn phải ôn chắc, ôn theo chuyên đề chuyên sâu kiến thức, phân loại học sinh những câu hỏi gợi mở.
Trên cơ sở định hướng của Bộ, Sở GD-ĐT, giáo viên nhà trường đã biên soạn giáo án cho từng môn, phù hợp với đối tượng học sinh nhà trường. Đối với học sinh có lực học trung bình, ngoài việc ôn tập kiến thức cơ bản cho học sinh, nhà trường tập trung rèn kỹ năng làm bài cho các em để trang bị kiến thức cho học sinh sẵn sàng bước vào kỳ thi đạt kết quả cao nhất. Thuận lợi của nhà trường có đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm (100% giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn, 17,9% giáo viên có trình độ trên chuẩn) nên thầy cô tiếp cận rất nhanh kết cấu đề thi minh họa của Bộ, kịp thời triển khai ôn tập cho học sinh. Nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn chú trọng việc rút kinh nghiệm trong việc giảng dạy các môn, điều chỉnh những bất cập trong quá trình giảng dạy và triển khai nhiệm vụ cụ thể theo từng tuần, theo giai đoạn các môn thi. Nhà trường quản lý sát sao việc thực hiện kế hoạch sau mỗi vòng ôn, tổ chức họp rút kinh nghiệm về việc lĩnh hội kiến thức của học sinh, đồng thời qua đây để nắm tình hình học sinh để có phương án ôn tập trong giai đoạn tiếp theo.
ở giai đoạn "nước rút", tại nhiều trường THPT khác cũng như các Trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh, công tác ôn luyện cho kỳ thi THPT quốc gia đang được các nhà trường tăng tốc để về đích đạt kết quả cao nhất. Đặc biệt, sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 525 ngày 3-2-2016 về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016 thì công tác ôn luyện càng trở nên khẩn trương. Đến thời điểm cuối tháng 5, công tác ôn tập đang bước vào đợt ôn tập cuối cùng nhằm trang bị kiến thức, tâm lý để học sinh sẵn sàng bước vào kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016. Trong thời gian từ 25-5-2016, sau khi các môn đã hoàn thành theo chương trình quy định, các nhà trường lựa chọn xây dựng kế hoạch ôn tập giai đoạn cuối trong 8 tuần dành cho học sinh, có thể kết thúc ôn tập từ ngày 20 đến ngày 26-6-2016. Hiện các nhà trường đang tập trung ôn thi theo hướng phân hóa đối tượng theo năng lực học sinh và theo môn tự chọn.
Nội dung tập trung kiến thức căn bản và định hướng rèn luyện các kỹ năng khai thác, vận dụng các kiến thức căn bản học sinh đã được học trong chương trình phổ thông vào đề thi THPT quốc gia, gồm các nội dung trọng tâm chủ yếu ở lớp 12 và các nội dung khó trên cơ sở đề thi năm 2015. Đối với những học sinh có học lực trung bình hoặc có nguy cơ thi trượt tốt nghiệp THPT được sắp xếp thành lớp riêng, phân công giáo viên có nhiều kinh nghiệm để ôn tập với các lớp này.
Đối với học sinh có học lực khá, giỏi, nhà trường bố trí ôn tập theo hình thức tự học có hướng dẫn của giáo viên, tăng cường thời gian dành cho học sinh tự học. Trong giai đoạn ôn tập này, các trường thực hiện tổng số tiết ôn tập tập trung cho mỗi học sinh không vượt quá 16 tiết/tuần/ học sinh (đối với học sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp) và không vượt quá 20 tiết/tuần/học sinh (đối với học sinh thi vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển CĐ, ĐH), nhằm không gây quá tải và dành thời gian hợp lý cho việc tự học, tự rèn luyện của học sinh. Cùng với việc ôn tập, các trường thường xuyên tổ chức thi thử theo mức độ nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở đối với môn khoa học xã hội, gắn với tình hình thời sự, quê hương, đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội… đáp ứng yêu cầu của đề thi và đánh giá kết quả định kỳ trong ôn tập.
Lợi thế của thí sinh năm nay trong kỳ thi THPT Quốc gia đó là không còn bỡ ngỡ lo lắng như năm đầu tiên thực hiện cải cách chung 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học do Bộ GD-ĐT đã có những điều chỉnh kịp thời những tồn tại của kỳ thi trước. Bên cạnh đó các em được nhà trường phụ đạo, định hướng kỹ càng trong ôn tập và lựa chọn hình thức thi phù hợp với năng lực học sinh, do đó các thí sinh trong tỉnh sẽ bước vào kỳ thi THPT Quốc gia với tâm lý vững vàng, sự tự tin hoàn thành bài thi tốt nhất.
Hồng Vân