Cô giáo Nguyễn Thị Kiều Nga, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Ninh Bình) cho biết: Từ nhiều năm học trước, nhà trường đã chú trọng thực hiện phân loại học sinh, có định hướng học sinh theo khối thi để tạo thuận lợi cho việc học và ôn luyện thi đại học của các em. Để đáp ứng yêu cầu của việc đổi mới thi cử theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo và sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2014-2015, nhà trường đã có nhiều giải pháp để thực hiện.
Đối với việc phân công giáo viên giảng dạy, Ban giám hiệu nhà trường quan tâm lựa chọn giáo viên có năng lực đảm nhiệm các môn thi bắt buộc và môn tự chọn theo từng khối thi nhằm giúp các em học sinh ôn luyện và được mở rộng về kiến thức. Yêu cầu các tổ nhóm chuyên môn tập trung thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, cách kiểm tra, đánh giá học sinh trên cơ sở xây dựng hệ thống câu hỏi và bài tập theo 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, áp dụng và áp dụng nâng cao, có sự điều chỉnh trong phương pháp dạy học, bồi dưỡng, phụ đạo học sinh...
Ngay từ đầu năm học 2014- 2015, không chỉ khối lớp 12 mà tất cả các khối lớp của trường đều thực hiện kiểm tra, đánh giá để phân loại học sinh theo khối thi nên việc dạy học tương đối thuận lợi, đi vào nền nếp. Việc đổi mới thi cử không ảnh hưởng nhiều đến việc dạy và học của trường. Qua khảo sát ban đầu của nhà trường, trong tổng số 386 học sinh khối 12, có 42,2% học sinh đăng ký thi khối D; 33,67% học sinh thi khối A; 12,95% học sinh thi khối A1; 11,13% học sinh thi khối C. Đối với các môn tự chọn, 80% học sinh chọn môn Vật lý và 20% học sinh chọn môn Địa lý.
Do đó, nhà trường tập trung mở rộng và nâng cao kiến thức đối với các môn học sinh chọn thi, với các môn không chọn thi; cố gắng dạy và ôn luyện để các em nắm vững kiến thức cơ bản. Cô giáo Trần Thị Thúy Vân, giáo viên dạy bộ môn Lịch sử được biết thêm: Với những lớp chọn thi các môn tự nhiên như: Toán, Lý, Hóa..., giáo viên tập trung giúp các em nắm chắc kiến thức cơ bản. Còn đối với các lớp chọn các môn xã hội như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý..., giáo viên sẽ tập trung mở rộng, nâng cao kiến thức, có liên hệ với các kiến thức khoa học xã hội khác. Cùng với việc đổi mới phương pháp giảng dạy, việc ra đề cũng được giáo viên chú trọng với việc xây dựng đề thi, câu hỏi sát với đổi mới thi cử hiện nay về dạng đề, cách thức, kỹ năng làm bài... Trường THPT Đinh Tiên Hoàng phấn đấu tại kỳ thi chung quốc gia, tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp đạt 100% và tỷ lệ thi đỗ các trường đại học đạt trên 60%.
Với Trung tâm Giáo dục thường xuyên Yên Khánh, việc đổi mới thi cử ít nhiều ảnh hưởng đến việc dạy và học của học sinh Trung tâm do đặc thù của khối các trung tâm GDTX có mặt bằng giáo dục thấp hơn so với các trường THPT. Theo thầy giáo Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm: Do đặc thù của học sinh các trung tâm GDTX phần lớn có nhu cầu học nghề sau tốt nghiệp hơn là thi đại học nên việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, việc giảng dạy có khác so với việc dạy và học của các trường THPT. Như năm học 2013-2014, Trung tâm chỉ có 37/194 học sinh đăng ký thi đại học, tỷ lệ thi đỗ đại học đạt trên 30% với điểm thi bình quân 3 môn đạt trên 10 điểm, số còn lại đều đăng ký học các trường cao đẳng, trung cấp nghề.
Tuy nhiên, năm nay với những đổi mới về thi cử, học sinh Trung tâm GDTX không còn được thi riêng đề thi vào kỳ thi tốt nghiệp mà phải thi đề thi chung với các trường THPT. Trước việc đổi mới thi cử năm nay, Trung tâm đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền tới cán bộ, giáo viên và phụ huynh, học sinh nắm rõ chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tăng cường ôn luyện kiến thức cho học sinh vào các buổi chiều để giúp các em nắm vững kiến thức cơ bản, chuẩn bị cho kỳ thi chung quốc gia.
Từ đầu năm học, Trung tâm đã quan tâm tổ chức các chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và năng lực của học sinh. Trong đó, chú trọng đổi mới cách ra đề, dạng đề để học sinh học và làm theo hướng tích hợp kiến thức. Coi trọng việc kiểm tra, đánh giá học sinh để có hướng giúp những học sinh có học lực kém hơn vươn lên trong học tập. Bám sát vào lựa chọn ban đầu của học sinh đối với các môn thi của kỳ thi chung quốc gia...,Trung tâm đã phân công giáo viên tăng cường ôn tập cho học sinh 8 môn học cơ bản là: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.
Thuận lợi của Trung tâm là từ năm học 2013- 2014 Trung tâm được tổ chức các lớp trung cấp nghề nên từ lớp 10, học sinh được tự chọn để học nghề song hành với học văn hóa. Việc học nghề đến hết lớp 11 là hoàn thành nên khi bước vào lớp 12, học sinh hoàn toàn có thời gian để tập trung học các môn văn hóa, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Năm học 2013- 2014, tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp của Trung tâm đạt 92,5%, năm học này, Trung tâm phấn đấu tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp đạt trên 90%.
Trao đổi với em Phạm Thị Hồng, học sinh lớp 12A, được biết: Ban đầu được biết về thông tin đổi mới thi cử, em cũng như các bạn hết sức lo lắng. Nhưng được sự động viên và giải thích của các thầy, cô, em đã yên tâm học và ôn luyện. Em dự định thi khối A và môn tự chọn là Lý và Địa nên dành thời gian nhiều hơn cho các môn này. Còn các môn không chọn thi, em vẫn cố gắng nắm vững kiến thức cơ bản...
Bài, ảnh: Bùi Diệu