Xác định công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng, chống, ngăn ngừa các loại dịch bệnh, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển. Từ đầu tháng 3 đến nay, việc tiêm phòng vụ xuân hè đã và đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh, bước đầu đã có chuyển biến tích cực, đảm bảo đúng tiến độ.
Theo Trạm Thú y thành phố Tam Điệp, tổng số đàn vật nuôi của thành phố thuộc diện tiêm phòng vụ xuân hè này khoảng 178 nghìn con, trong đó lợn là 9 nghìn con, trâu bò 1 nghìn con, còn lại là đàn vịt 168 nghìn con. Để công tác tiêm phòng bệnh cho đàn vật nuôi hiệu quả, Trạm đã chủ động xây dựng kế hoạch tiêm phòng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, lực lượng thú y viên xã, phường tích cực triển khai. Hàng năm, ngoài 2 đợt tiêm chính là vụ xuân hè và vụ thu đông bổ sung hàng tháng vẫn phải triển khai tiêm bổ sung cho số gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng trong đợt tiêm tập trung và diện mới phát sinh, đến tuổi tiêm phòng. Bà Lê Thị Hoài, Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố Tam Điệp cho biết: Hiện nay, việc triển khai công tác tiêm phòng trên địa bàn thành phố vẫn gặp không ít khó khăn do người chăn nuôi chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ, ý thức phòng bệnh chưa cao; ở một số nơi chính quyền chưa thực sự quan tâm tới công tác này. Bên cạnh đó còn do lực lượng thú y cơ sở mỏng, phụ cấp thấp nên không mặn mà với công việc… Đến thời điểm này, tiến độ tiêm phòng của Tam Điệp đạt khoảng 32% đối với đàn gia cầm; 4,7% đối với đàn lợn và khoảng 30% với đàn trâu bò. Để khắc phục tình hình này, hiện Trạm Thú y thành phố đang tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về tính chất, mức độ nguy hiểm của các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi cho người dân; thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch, nguy cơ tái phát dịch và các biện pháp phòng, chống dịch. Hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp chăn nuôi an toàn, trong đó nhấn mạnh đến công tác tiêm phòng. Bên cạnh đó, Trạm cũng kiến nghị với lãnh đạo thành phố yêu cầu các cấp chính quyền địa phương chỉ đạo kiên quyết hơn trong công tác tiêm phòng, đề cao trách nhiệm đối với lãnh đạo địa phương nếu tỷ lệ tiêm phòng không đạt yêu cầu hay để xảy ra dịch. Phấn đấu đẩy nhanh và nâng cao tỷ lệ tiêm phòng. Theo kế hoạch của tỉnh, công tác tiêm vắc xin phòng dịch gia súc, gia cầm đợt 1 được các địa phương triển khai từ ngày 15/3 đến 30/4. Ông Hà Quốc Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh cho biết: Dịch cúm gia cầm xảy ra ở nhiều tỉnh trên cả nước, trong đó có cả địa phương lân cận là Nam Định. Trên địa bàn tỉnh ta cũng đã ghi nhận hiện tượng gia cầm chết rải rác, vì vậy, khác với những năm trước, năm nay, ngành hướng dẫn các địa phương tiêm vắc xin phòng dịch cúm gia cầm trước, sau đó mới tiến hành tiêm phòng cho đàn gia súc. Đặc biệt tại một số vùng trọng điểm như Yên Mô, Yên Khánh, Nho Quan đã triển khai tiêm phòng sớm hơn thời điểm ngày 15/3. Chỉ tiêu đặt ra, toàn tỉnh sẽ tiêm vắc xin cúm cho hơn 1,5 triệu con gia cầm các loại. Đối với đàn gia súc, tổ chức tiêm vắc xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng cho gần 16 nghìn con trâu bò; tiêm dịch tả, phó thương hàn, tụ dấu lợn cho gần 170 nghìn con lợn và trên 39 nghìn liều vắc xin phòng dại chó. Từ kế hoạch trên, Chi cục Thú y kịp thời cung ứng số lượng vắc xin theo nhu cầu, đồng thời đôn đốc các địa phương tích cực triển khai. Với sự chỉ đạo quyết liệt của ngành chuyên môn cùng với cấp ủy, chính quyền các địa phương, bước đầu công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đạt kết quả khá. Hiện toàn tỉnh đã tiêm vắc xin cúm cho gần 1,3 triệu con gia cầm (đạt trên 85% kế hoạch) và các loại vắc xin khác cho hơn 110 nghìn con gia súc. Với vắc xin dại cho đàn chó cũng đã triển khai tiêm được 62% kế hoạch đề ra.
Tiêm vắc xin phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm là một trong những biện pháp phòng, chống dịch bệnh hữu hiệu nhất. Vì vậy, để bảo vệ đàn vật nuôi, bảo vệ thành quả sản xuất cho người dân, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng theo đúng kế hoạch, đạt chất lượng, yêu cầu. Mặt khác, thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người chăn nuôi về công tác phòng ngừa dịch bệnh. Ngoài tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi theo định kỳ, còn coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn; đặc biệt khi người chăn nuôi bổ sung đàn phải tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, kịp thời...
Hà Phương