Bệnh LSĐ do virus LSĐ phương Nam gây ra và rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh. Bệnh xuất hiện lần đầu tiên tại Ninh Bình và bùng phát thành dịch trong vụ mùa năm 2009. Liên tiếp trong hai năm 2009 và 2010, toàn tỉnh có trên dưới 4 nghìn ha lúa bị ảnh hưởng bởi bệnh này. Sau đó, nhờ sự vào cuộc tích cực, quyết liệt, tập trung phòng trừ bằng nhiều cách nên từ năm 2011-2016 bệnh chỉ xuất hiện rải rác, mức độ gây hại nhẹ, diện tích nhiễm bệnh chỉ từ 100-600 ha. Tuy nhiên, chính vì nhiều năm không thấy bệnh xuất hiện đã hình thành tư tưởng chủ quan trong nhân dân, vấn đề xử lý giống, cây mạ trước khi cấy ít được quan tâm cộng với những diễn biến bất lợi về thời tiết, bệnh LSĐ đã bùng phát mạnh trở lại vào vụ mùa năm 2017. Toàn tỉnh khi ấy có tới gần 1.600 ha lúa bị nhiễm LSĐ, trong đó có những diện tích bị thiệt hại đến 70% năng suất.
Bà Nguyễn Thị Nhung, Trưởng Phòng BVTV, Chi cục Trồng trọt & BVTV cho biết: Bệnh LSĐ là loại bệnh nguy hiểm bậc nhất đối với cây lúa. Cây lúa ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh bị nhiễm virus LSĐ sẽ không trỗ được hoặc giảm năng suất nghiêm trọng. Đặc biệt, bệnh chưa có thuốc đặc trị nên biện pháp chủ yếu vẫn là phun thuốc phòng trừ rầy nâu và tiêu hủy nguồn môi giới truyền bệnh. Mặc dù trong 2 năm gần đây bệnh đã được kiểm soát, không gây thiệt hại nghiêm trọng nhưng bài học từ năm 2017 vẫn còn đó.
Các địa phương và bà con nông dân tuyệt đối không nên lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống bệnh hại nguy hiểm này. Để chủ động phòng, chống bệnh LSĐ, bảo vệ sản xuất vụ mùa 2020, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh gây ra, Chi cục Trồng trọt và BVTV khuyến cáo: Các địa phương và bà con nông dân cần áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh LSĐ từ đầu vụ theo phương châm phòng là chính. Công việc này phải được thực hiện đồng bộ trên tất cả các vùng trồng lúa, đặc biệt ở các vùng đã nhiễm bệnh nặng ở các vụ sản xuất trước. Cụ thể, thực hiện vệ sinh đồng ruộng bằng cách cày vùi gốc rạ ngay sau khi thu hoạch lúa đông xuân nhằm ngăn ngừa lúa chét, lúa tái sinh, đặc biệt là tại các vùng đã có bệnh ở vụ trước, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước, các kí chủ phụ trên đồng ruộng để hạn chế nguồn bệnh sang vụ mùa. Việc bố trí thời vụ phải đảm bảo thời gian cách ly giữa vụ đông xuân và vụ mùa trong khung thời vụ cho phép và không làm ảnh hưởng đến thời vụ của vụ đông (khoảng cánh giữa 2 vụ ít nhất 20 ngày để cắt cầu nối truyền bệnh và có đủ thời gian để vệ sinh đồng ruộng). Hạn chế sử dụng các giống nhiễm rầy lưng trắng nặng. Bảo vệ tốt mạ, lúa non bằng cách xử lý hạt giống trước khi gieo bằng thuốc BVTV. Thực hiện gieo mạ tập trung theo vùng, không gieo mạ ở gần những ruộng đang có nguồn bệnh, ven đường giao thông, những nơi có nguồn ánh sáng thu hút rầy vào ban đêm. Phun phòng trừ rầy môi giới truyền bệnh cho mạ và lúa gieo thẳng. Đối với mạ phun trước khi cấy 3 đến 4 ngày, lúa gieo thẳng phun khi được 4-5 lá bằng các thuốc trừ rầy nội hấp. Trong quá trình chăm sóc lúa, mạ, lưu ý bón phân cân đối, đặc biệt không bón thừa phân đạm, áp dụng các biện pháp kỹ thuật IPM, (SRI)…., để tăng tính chống chịu của lúa đối với dịch hại. Trong trường hợp có bệnh xuất hiện, nếu ở giai đoạn mạ thì tiến hành tiêu hủy toàn bộ ruộng mạ, gieo mạ khác thay thế. Nếu ở giai đoạn sau thì bà con phải nhanh chóng bao vây phun trừ rầy lưng trắng bằng các loại thuốc đặc hiệu sau đó nhổ tiêu hủy những cây bị bệnh. UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh LSĐ hại lúa vụ mùa năm 2020.
Theo đó, yêu cầu UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh LSĐ trong vụ mùa. Chỉ đạo các phòng, ban, ngành của địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng cán bộ trồng trọt và BVTV bám sát đồng ruộng, nắm chắc diễn biến phát sinh gây hại của rầy lưng trắng, bệnh LSĐ trên từng trà lúa. Hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời những diện tích lúa có mật độ rầy lưng trắng cao bằng thuốc đặc hiệu theo nguyên tắc "4 đúng". Đồng thời, hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương để tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ cơ sở, nông dân về các biện pháp phòng, chống bệnh LSĐ và quản lý rầy môi giới truyền bệnh; hỗ trợ phòng trừ rầy môi giới khi xuất hiện ổ dịch.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu