Vụ đông xuân 2020-2021 toàn tỉnh gieo trồng được trên 46.700 ha cây trồng các loại, trong đó diện tích lúa là gần 40.000 ha. Giai đoạn đầu vụ, thời tiết tương đối thuận lợi, không xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại kéo dài nên các cây trồng sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 đến nay thời tiết âm u, mưa xen kẽ các ngày nắng nóng, độ ẩm không khí cao đã tạo điều kiện cho nhiều loại sâu bệnh phát sinh, gây hại. Trong khi đó, hiện nay, lúa đang bước vào giai đoạn làm đòng, trỗ bông - giai đoạn đặc biệt nhạy cảm, nếu để sâu bệnh hại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng lúa cả vụ.
Qua điều tra, tổng hợp từ Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh: Tính đến ngày 27/4, bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện trên 438 héc ta lúa (cao gấp 3 lần so với năm 2020), trong đó, diện tích nhiễm nặng là 50 héc ta. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở trà lúa xuân muộn, diện xanh tốt, bón thừa đạm, giống nhiễm như Nếp, TBR 225, LT2, Đài thơm 8, Bắc thơm 7, Thái xuyên 111. Ngoài ra, bệnh đạo ôn cũng đã gây hại trên cổ bông ở các trà lúa xuân sớm, tỷ lệ bệnh nơi cao là 0,2-0,5%, cá biệt có nơi lên tới 1-3% cổ bông như ở xã Phú Sơn, huyện Nho Quan. Về sâu cuốn lá nhỏ, bướm sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 tiếp tục ra rộ đến ngày 28/4, mật độ nơi cao 1-2 con/m2, cá biệt có nơi có từ 3-5 con/m2, mật độ ổ trứng nơi cao từ 50-60 quả/m2.
Bên cạnh bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ thì hiện nay đối tượng rầy nâu, rầy lưng trắng cũng đang phát sinh và gây hại trên các trà lúa. Các địa phương có mật độ rầy cao là Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh. Riêng chuột, chúng vẫn đang cắn phá, gây hại cục bộ trên các trà lúa, nhất là các ruộng cạn nước, ven làng, ven gò, ven thổ, ven đê, gần các khu công nghiệp, khu đất trống, tổng diện tích bị nhiễm là trên 155 héc ta, trong đó diện tích nhiễm nặng là 13 héc ta. Ngoài ra, bệnh khô vằn, bạc lá lúa, nhện gié tiếp tục hại tăng, lúa cỏ gây hại cục bộ. Trên cây ngô, sâu keo mùa thu cũng đang gây hại cục bộ trên các trà ngô xuân, cây lạc là bệnh đốm lá, sâu cuốn lá, sâu khoang, cây dứa là bệnh thối nõi, rệp sáp…
Bà Nguyễn Thị Nhung, Trưởng phòng BVTV (Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh) cho biết: Chi cục đang phối hợp chặt chẽ với phòng Nông nghiệp, phòng Kinh tế, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nắm bắt diễn biến các đối tượng dịch hại để hướng dẫn các biện pháp phòng trừ kịp thời hiệu quả.
Trước mắt, ở giai đoạn này, các địa phương cũng như bà con nông dân phải đặc biệt lưu ý đến bệnh đạo ôn, tiếp tục phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trên các trà lúa trỗ cuối tháng 4, đầu tháng 5. Với sâu cuốn lá nhỏ, dự kiến sâu lứa 2 tiếp tục nở rộ đến ngày 5/5, gây hại rộng trên trà lúa xuân muộn đang ở giai đoạn ôm đòng - trỗ bông. Diện tích phải phòng trừ đợt này là khoảng 13.000 héc ta, thời gian phòng trừ từ ngày 28/4 đến ngày 5/5.
Bên cạnh đó, rầy cám lứa 2 cũng sẽ nở rộ đến ngày 8/5, dự kiến diện tích phải phòng trừ là khoảng 8.000 ha, thời gian phòng trừ từ ngày 30/4 đến ngày 8/5. Về chuột hại, cần tiếp tục diệt chuột bằng các biện pháp, ưu tiên biện pháp thủ công như đào bắt, hun khói, đặt bẫy.
Để việc phun trừ sâu bệnh hại đạt hiệu quả, cơ quan chuyên môn khuyến cáo nông dân cần sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp. Nếu các đối tượng dịch hại cần phòng trừ xuất hiện cùng lúc có thể phối hợp các loại thuốc nhưng vẫn phải giữ nguyên nồng độ của mỗi loại. Trong thời gian 4 giờ sau phun gặp mưa, cần tranh thủ lách thời tiết để phun trừ lại. Cùng với đó, cần chú ý cần đảm bảo đủ nước trong ruộng để cây lúa làm đòng, trỗ bông, nuôi hạt thuận lợi.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu