PV: Mục tiêu và kế hoạch vụ đông xuân 2017-2018 này của Ninh Bình như thế nào, thưa đồng chí? Đ/c Lã Quốc Tuấn: Vụ đông xuân 2017-2018, Ninh Bình tiếp tục đặt mục tiêu đẩy mạnh sản xuất để góp phần thực hiện đạt kế hoạch sản lượng lương thực cả năm, chủ động về thời vụ, diện tích đất cho vụ mùa để có quỹ đất gieo trồng các cây vụ Đông.
Chú trọng mở rộng diện tích lúa chất lượng ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhất là tiến bộ về giống cây trồng, phân bón, kỹ thuật thâm canh và phòng trừ dịch hại để đạt giá trị kinh tế cao nhất trên một đơn vị diện tích.
Cụ thể, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng 49.000 ha cây trồng các loại, trong đó lúa là 40.485 ha, phấn đấu năng suất đạt 66 tạ/ha. Các cây trồng chủ lực còn lại là: ngô 1.880 ha, lạc 2.850 ha, rau đậu các loại là trên 1.800 ha…
PV: Xin đồng chí cho biết khái quát về tình hình triển khai và tiến độ sản xuất của các địa phương cho đến thời điểm này?
Đ/c Lã Quốc Tuấn: Năm nay, các yếu tố khách quan và chủ quan đều rất thuận lợi cho việc gieo cấy lúa đông xuân. Về nguồn nước cho gieo cấy, các đơn vị vùng triều đã tổ chức lấy nước tốt, tận dụng tối đa thời gian xả nước để lấy nước.
Qua 3 lần xả nước hồ, tính đến ngày 28/2/2018 toàn tỉnh đã lấy được 40.617ha/40.810 ha, đạt 99,5% kế hoạch gieo cấy lúa đông xuân 2017-2018. Phần diện tích còn lại chủ yếu tập trung ở vùng kênh hồ của huyện Nho Quan và vùng bơm điện của huyện Hoa Lư. Các địa phương này hiện đang tiếp tục tổ chức lấy nước, đảm bảo đủ nước gieo cấy hết diện tích.
Ngoài ra, các huyện, thành phố trong tỉnh cũng đã chủ động lo các khâu giống, phân bón, thuốc trừ sâu. Cơ cấu, chất lượng về giống lúa vụ sản xuất này khá đảm bảo. Một điều đáng mừng nữa là mặc dù thời điểm gieo cấy tập trung vụ này trùng đúng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán nhưng nông dân vẫn rất chủ động, tích cực ra đồng, nhờ vậy, đến nay, toàn tỉnh đã cơ bản gieo cấy xong toàn bộ diện tích lúa Đông Xuân, đảm bảo được khung, lịch thời vụ tốt nhất. Trong đó, diện tích gieo sạ là 16.783,6 ha, đạt 41,1%.
PV: Để thực hiện thắng lợi vụ sản xuất đông xuân, đồng chí có những khuyến cáo gì với nông dân trong thời gian tới?
Đ/c Lã Quốc Tuấn: Hiện tại, sản xuất vụ đông xuân chưa gặp khó khăn gì lớn, nguồn nước đầy đủ, đất được cày bừa kỹ càng, chưa phát hiện sâu bệnh hại. Bên cạnh đó, thời tiết vẫn khá thuận lợi với những ngày trời có mưa phùn, nồm ẩm rất thuận lợi cho lúa đông xuân qua nhanh giai đoạn hồi xanh và bước sang thời kỳ đẻ nhánh rộ.
Tới đây, Chi cục sẽ cử cán bộ kỹ thuật xuống các địa phương, đánh giá thực tế, nắm bắt lại toàn bộ diện tích lúa đông xuân đã gieo cấy để tham mưu đưa ra các khuyến cáo kỹ thuật tiếp theo.
Trong đó, tập trung vào các biện pháp bón phân, chăm sóc để cây trồng phát triển thuận lợi, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh, nắng nóng, hạn hán.
Với bà con nông dân thời điểm này cần đảm bảo đủ nước trên ruộng, tích cực chăm sóc, bón thúc và tỉa dặm kịp thời để đảm bảo mật độ, tránh để quá dày sẽ tạo điều kiện cho các ổ bệnh phát sinh, nhất là với các giống mẫn cảm.
Bên cạnh đó, bà con cần thường xuyên theo dõi diễn biến của dịch hại trên đồng ruộng, đặc biệt là chuột hại. Nếu sự phá hại của chuột lan rộng thì phải tổ chức ra quân diệt chuột, ưu tiên các biện pháp đánh bắt thủ công, đặt bẫy, bả, phát quang quanh diện tích lúa gần ao hồ, kênh mương, gò đồi nơi chuột ẩn náu.
Ngoài ra, thời tiết nồm ẩm, bà con cũng cần lưu ý theo dõi thêm bệnh đạo ôn lá, đặc biệt trên các giống nhiễm đạo ôn nặng như nếp, lúa lai đa hệ, cố gắng phát hiện sớm để xử lý kịp thời bằng các thuốc đặc hiệu. Về cuối vụ, khả năng ở những vùng xa và cuối kênh mương sẽ xảy ra hiện tượng hạn cục bộ. Các địa phương cần xây dựng kế hoạch sử dụng nước tưới tiết kiệm, chủ động chống hạn.
Nếu bà con nông dân trong tỉnh tập trung chăm sóc tốt, chủ động trong phòng trừ sâu bệnh, chuột bọ hại lúa và tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn... thì Ninh Bình sẽ thực hiện thắng lợi vụ sản xuất đông xuân này.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Hà Phương (thực hiện)