Từ cuối tháng 7 đến nay, thời tiết oi nóng, có nhiều ngày mưa liên tục, là môi trường thuận lợi cho sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầu lưng trắng, sâu đục thân lúa hai chấm, bệnh khô vằn phát sinh và gây hại cho lúa. Theo thống kê của Chi cục BVTV tỉnh, hiện toàn tỉnh có hàng nghìn ha lúa mùa bị chuột cắn phá và nhiễm bệnh. Tại huyện Nho Quan, Hoa Lư, thị xã Tam Điệp, thành phố Ninh Bình, mật độ sâu đục thân lúa 2 chấm cao, cá biệt có nơi lên tới 15-30 con/m2. Rầy nâu, rầy lưng trắng cũng đang hại rải rác trên các trà lúa, mật độ trung bình 200 con/m2; nơi cao 700-1.000 con/m2; cá biệt ở một số điểm thuộc huyện Kim Sơn, Nho Quan, Yên Mô, mật độ rầy ở mức 2.000 con/m2. Đặc biệt, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 đang ra rộ, mật độ trung bình 1,5 con/m2, nơi cao 3-5 con/m2.
Nửa tháng nay, hầu như ngày nào anh Đinh Xuân Thưởng, thôn Yên Thổ, thị trấn Yên Thịnh (Yên Mô) cũng ra thăm đồng. Anh cho biết: Thời tiết mưa nắng thất thường rất dễ phát sinh sâu bệnh, đặc biệt ở giai đoạn lúa trỗ bông, do vậy anh phải thường xuyên ra đồng kiểm tra. Vụ này, gia đình anh cấy gần 3 mẫu ruộng, chủ yếu là các giống Tạp giao, nếp và Bắc thơm. Do mưa nhiều, nước cả nên lúa của gia đình anh bị chuột phá rất mạnh, ngoài ra sâu cuốn lá, sâu đục thân, khô vằn cũng gây hại nhiều hơn năm trước. Đầu vụ, gia đình đã phun thuốc 1 lượt rồi nhưng không hết. Mấy ngày nay theo hướng dẫn của HTX, gia đình anh tiếp tục phun trừ lần 2.
Ông Phạm Văn Trình, Đội trưởng Đội sản xuất số 1, HTX Tiên Tiến, thị trấn Yên Thịnh cho biết: Khi HTX nhận được thông báo hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh từ Trạm BVTV huyện, chúng tôi đã thông báo trên hệ thống loa truyền thanh, đồng thời đi đến tận các hộ xã viên để hướng dẫn. Hầu hết bà con đều tuân thủ nghiêm túc từ thời điểm phun, liều lượng, chủng loại thuốc nên hiệu quả phun trừ khá cao.
Được biết, hiện nay bên cạnh việc hướng dẫn nông dân sử dụng các thuốc đặc hiệu để phòng trừ sâu bệnh khi đến ngưỡng, huyện Yên Mô cũng khuyến khích bà con tăng cường các biện pháp thủ công như bắt sâu, ngắt ổ trứng, vơ lá bệnh, duy trì các biện pháp diệt chuột liên tục để bảo vệ sản xuất.
Theo ông Vũ Khắc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, trong thời gian tới, nếu sâu cuốn lá nhỏ có mật độ cao sẽ có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến năng suất vì lá lúa đã ra gần hết, nếu xảy ra xơ trắng lá, đặc biệt là ở lá đòng sẽ làm giảm đáng kể khả năng quang hợp, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất. Bên cạnh đó, bướm sâu đục thâm 2 chấm lứa 5 cũng sẽ ra rộ vào cuối tháng 8, đầu tháng 9, nếu không phun trừ kịp thời thì tỷ lệ đòng héo, bông bạc có thể lên tới 30%. Ngoài ra, đối tượng rầy nâu, rầy lưng trắng sẽ tập trung phát sinh và gây hại với mật độ cao vào thời kỳ lúa trỗ đến chắc xanh. Nếu phòng trừ không tốt để rầy phát triển với mật độ cao sẽ làm đỏ lúa hoặc cháy ổ, ảnh hưởng nặng nề đến năng suất.
Thời gian này, toàn hệ thống BVTV từ tỉnh đến huyện đã và đang tập trung cao độ cho công tác điều tra phát hiện, dự báo kịp thời, chính xác tình hình phát sinh gây hại của dịch bệnh, từ đó tham mưu, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phòng trừ có hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành có liên quan để chỉ đạo nông dân phòng trừ trên những diện tích có mật độ sâu bệnh cao.
Tuy nhiên, cũng theo ông Vũ Khắc Hiếu, các địa phương cần tập trung làm tốt công tác quản lý, sử dụng thuốc BVTV, tránh hiện tượng sử dụng thuốc không đặc hiệu, kém chất lượng, vừa gây thiệt hại về kinh tế cho nông dân, vừa ảnh hưởng đến hiệu quả phòng trừ. Đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo bà con sử dụng thuốc hợp lý, tuân thủ hướng dẫn của ngành BVTV, không tự ý phun phòng mà chỉ phun khi mật độ sâu đã đến ngưỡng. Người dân cần có ý thức chọn mua đúng những loại thuốc theo hướng dẫn của ngành BVTV, không phó mặc cho người kinh doanh.
Đối với sâu đục thân 2 chấm chỉ phun trừ trên những ruộng có mật độ ổ trứng trên 0,3 ổ/m2 khi sâu non tuổi 1 nở rộ; những ruộng có mật độ ổ trứng trên 1 ổ/m2 phải phun kép 2 lần, lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày. Sử dụng các thuốc đặc hiệu như Prevathon 5SC, Victory 585EC, Tasodant 600EC… Với sâu cuốn lá nhỏ, phun trên những diện tích có mật độ sâu từ 20 con/m2 trở lên, khi sâu non rộ tuổi 2 bằng các thuốc đặc hiệu Clever 150SC, 300WG, Tango 800WG, Dylan 2EC… Những ruộng có mật độ sâu trên 200 con/m2 cần phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 4-5 ngày. Đối với rầy nâu, rầy các loại, chỉ phun khi mật độ rầy trên 2.000 con/m2 bằng các thuốc đặc hiệu như Penalty gold 50EC, Sutin 5EC, Victory 585EC… Khi phun phải giữ đủ nước trên ruộng, đảm bảo lượng nước thuốc theo khuyến cáo và phun ướt đều toàn bộ thân lá lúa. Lưu ý một số đối tượng như sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 6 phát sinh và gây hại gần cùng một thời điểm, vì vậy có thể hỗn hợp thuốc để phun trừ nhưng phải đảm bảo đủ liều lượng và lượng nước thuốc đã pha từ 20-25 lít/sào.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, tháng 9 vẫn có thể xảy ra các trận mưa lớn. Vì vậy, Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo các địa phương và Công ty TNHH một thành viên KTCTTL tỉnh cần tập trung chống úng với phương châm "vụ mùa lấy chống úng làm chính". Ngoài việc đảm bảo đủ điện cho các trạm bơm, các cống tiêu lớn hoạt động, Công ty TNHH một thành viên KTCTTL tỉnh phải thường xuyên kiểm tra, sửa chữa khắc phục kịp thời các sự cố, hư hỏng trên hệ thống công trình, nhất là các cống đầu mối, các trạm bơm, các đập điều tiết quan trọng, các trục kênh chính; phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, phân loại, lập phương án giải tỏa các vi phạm, khơi thông dòng chảy. Vận hành công trình đảm bảo đúng quy trình, sát với diễn biến của thời tiết, thủy văn và phù hợp với thực tế sản xuất, chủ động tiêu rút nước đệm khi có dự báo thời tiết xấu. Các xã, thị trấn tiếp tục củng cố, áp trúc bờ vùng, bờ thửa; chủ động phòng, chống úng, chuẩn bị thêm các máy bơm dầu, bơm điện sẵn sàng tham gia chống úng. Khi lúa đã chín huy động mọi lực lượng, phương tiện tổ chức thu hoạch nhanh gọn theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng", triển khai đồng bộ các biện pháp để giành thắng lợi vụ mùa 2013.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu