Ngày 4/8, tại Khách sạn Tam Cốc (Ninh Hải, Hoa Lư), Sở Văn hóa- Thể thao & Du lịch phối hợp với Ban quản lý Dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch ở làng nghề truyền thống cho 50 người là cán bộ đang phụ trách hoạt động làng nghề, đại diện các hộ gia đình, các tổ hợp, doanh nghiệp đang tham gia sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh.
Các học viên được trang bị kiến thức, tìm hiểu những tác động tích cực, tiêu cực về kinh tế, môi trường và xã hội của các làng nghề thủ công ở Việt Nam trong lợi ích phát triển du lịch có trách nhiệm.
Tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm làng nghề gắn với thị trường du lịch, bên cạnh việc đảm bảo chất lượng, thúc đẩy tính sáng tạo, đa dạng hóa sản phẩm nâng cao khả năng cạnh tranh cùng với việc tăng tính hấp dẫn của các điểm đến du lịch thông qua cơ chế hợp tác giữa làng nghề thủ công và tổ chức làm du lịch.
Đồng thời, lớp tập huấn cũng hiểu được tầm quan trọng của quản lý chất thải và mức độ ô nhiễm ở các làng nghề, các bước giảm thiểu những tác động tiêu cực từ làng nghề ảnh hưởng đến phát triển du lịch…
Ninh Bình có 75 làng nghề thủ công được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận, với tổng số gần 15 nghìn hộ đang tham gia làm nghề, tạo việc làm cho khoảng 27 nghìn lao động. Hiện mô hình du lịch làng nghề và làng nghề sản xuất các mặt hàng phục vụ du lịch đang được các địa phương tổ chức thực hiện như: Sơn Hà (Nho Quan), Gia Vân (Gia Viễn), Ninh Hải (Hoa Lư)… bước đầu đem lại tín hiệu khả quan. Thông qua du lịch, các sản phẩm làng nghề đến với đối tượng tiêu dùng trong và ngoài nước, mở rộng thị trường xuất khẩu tại chỗ. |
Nguyễn Minh