Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT, năm học 2009-2010, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy sẽ tuyển sinh tối đa 385 học sinh vào các lớp chuyên Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Ngữ văn - Lịch sử, Ngữ văn - Địa lý, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, mỗi lớp không quá 35 học sinh.
Thí sinh dự thi sẽ trải qua 2 vòng: Vòng 1, tất cả các thí sinh bắt buộc phải thi môn Toán và Ngữ văn điểm thi tính hệ số 1. Vòng 2, thí sinh sẽ thi từ 1-2 môn chuyên theo đăng ký: các lớp chuyên Toán, Tin học thi môn chuyên là Toán; lớp chuyên Ngữ văn thi môn chuyên Ngữ văn; lớp chuyên Ngữ văn - Lịch sử thi môn chuyên là Ngữ văn và Lịch sử; lớp chuyên Ngữ văn - Địa lý thi môn chuyên là Ngữ văn và Địa lý; các lớp chuyên Vật lý, Hóa học, Sinh học, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp thi môn chuyên theo lớp chuyên mình đăng ký. Riêng học sinh chuyên tiếng Nga và tiếng Pháp có thể dự thi môn chuyên là tiếng Anh.
Những thí sinh thi lớp chuyên Toán được đăng ký nguyện vọng 2 là chuyên Tin học; thí sinh thi vào lớp chuyên Ngữ văn có thể đăng ký vào các lớp chuyên: Văn học - Lịch sử, Văn học - Địa lý nhưng phải thi thêm môn chuyên là Lịch sử và Địa lý; thí sinh thi vào lớp chuyên Anh có thể đăng ký nguyện vọng 2 vào lớp chuyên tiếng Nga, tiếng Pháp. Năm học này, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy vẫn tuyển sinh 3 lớp không chuyên cho các học sinh có hộ khẩu thường trú tại thành phố Ninh Bình, mỗi lớp tối đa không quá 45 học sinh.
Việc tách kỳ thi tuyển sinh THPT chuyên riêng đã tạo điều kiện tốt hơn cho học sinh có năng khiếu, nhất là ở cấp huyện. Nhà trường cũng có điều kiện để tuyển chọn học sinh có năng lực vào trường và vào đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia. Điểm mới trong kỳ thi năm nay là bỏ lớp chuyên Sử, chuyên Địa lý thay vào đó là chuyên Văn - Sử; Văn - Địa, thí sinh dự thi vào chuyên Tin phải thi môn chuyên là môn Toán. Điều này đã khắc phục được nhược điểm là một số học sinh lực học chưa cao nhưng vì cố gắng vào trường chuyên nên đăng ký vào các lớp chuyên Sử, Địa. Nhà trường cũng tiếp tục tuyển lớp chuyên Nga, vì đây là một trong những thế mạnh của nhà trường, những học sinh học chuyên Nga sẽ được học song song 2 ngoại ngữ là tiếng Nga và tiếng Anh.
Bên cạnh đó, việc Trường vẫn tuyển sinh 3 lớp đại trà theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Hơn nữa, 2 Trường THPT Đinh Tiên Hoàng và Trần Hưng Đạo không đủ để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh thành phố Ninh Bình, trong khi Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy vẫn đáp ứng đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để tuyển sinh lớp đại trà. Theo lộ trình thì việc bỏ lớp đại trà trong trường chuyên vẫn được tiến hành nhưng chỉ đến khi nào có sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên thì mới tách hẳn lớp đại trà khỏi trường chuyên.
Theo ông Trần Quang Ánh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo: Để tránh việc tổ chức cồng kềnh 2 kỳ thi và tiết kiệm chi phí, ngành Giáo dục đã tổ chức 1 kỳ thi tuyển sinh THPT chung cho cả khối chuyên và đại trà. Sau một số năm thực hiện, số lượng học sinh đăng ký thi vào trường chuyên giảm. Như vậy, chúng ta đã không thu hút được hết những học sinh có năng khiếu, nhất là học sinh ở ngoài khu vực thành phố Ninh Bình. Chính điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giải của học sinh giỏi Quốc gia những năm gần đây. Từ năm học này, UBND tỉnh quyết định tổ chức 2 kỳ thi tuyển sinh THPT riêng cho khối chuyên và khối đại trà nhằm thu hút những học sinh có năng lực vào trường chuyên.
Cách đây 5 năm, số lượng thí sinh đăng ký dự thi Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy luôn đạt từ 1.500-1.700 thí sinh thì năm nay tuy trở về phương pháp tuyển sinh cũ nhưng số người đăng ký dự thi là 915 thí sinh, tăng so với năm học 2008-2009 gần 20%. Số lượng học sinh các huyện đăng ký dự thi chỉ đạt khoảng 30%. Điều này có thể hiểu là sức hút của trường chuyên đối với học sinh đã giảm. Theo thầy giáo Phạm Văn Đằng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy: Số lượng học sinh đăng ký dự thi không cao có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do phụ huynh và học sinh chưa nhận thức hết về tầm quan trọng của việc được học ở trường chuyên mà mục đích chỉ là học để thi đỗ đại học. Hơn nữa, cơ chế dành cho học sinh trường chuyên chưa được thỏa đáng. Vì thế những gia đình kinh tế không khá giả ở các địa phương sẽ không có đủ điều kiện để cho con đi học xa. Thêm vào đó là một số trường như: THPT Yên Khánh A, Nguyễn Huệ… điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên không mấy thua kém trường chuyên, tỷ lệ thí sinh thi đỗ đại học và thi đỗ tốt nghiệp tương đương nhau nên học sinh cũng không còn mặn mà với việc cố gắng vào trường chuyên.
Để tạo sức hút cho trường chuyên, Sở Giáo dục - Đào tạo đang xây dựng quy chế tuyển chọn giáo viên cho trường chuyên nhằm tinh chọn những giáo viên có năng lực thực sự vừa có thể dạy chuyên, vừa có thể dạy đại trà. Bên cạnh đó, tỉnh cần có cơ chế mở rộng hơn nữa đối với học sinh để thu hút nhân tài như: Cơ sở vật chất, điều kiện ăn, ở cho học sinh, học bổng… Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, vì vậy trách nhiệm không chỉ phụ thuộc vào các cơ quan chức năng mà là của toàn xã hội.
Nguyễn Thơm