Người ta tìm đến công viên không chỉ để nghỉ ngơi, thư giãn, mà còn để tham quan, thăm viếng, bởi trong khuôn viên của công viên còn có một số di tích, danh thắng nổi tiếng như: Núi Thúy, đền thờ danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu, đài tưởng niệm liệt sĩ thành phố, chùa Non Nước…
Phải thừa nhận, công viên Thúy Sơn được xây dựng ở một địa thế đẹp, non nước hữu tình, nên thơ. Tuy nhiên, do quy hoạch từ lâu nên diện tích công viên khá chật hẹp, chỉ có 8 ha, cộng với việc đầu tư, khai thác, quản lý thời gian qua chưa thực sự hiệu quả nên công viên Thúy Sơn chưa tạo được sức hút đối với người dân Ninh Bình. Người ta vẫn cảm thấy thiếu một nơi vui chơi cho cả gia đình vào những buổi chiều hay ngày nghỉ cuối tuần.
Một ngày tại công viên
Có mặt tại công viên Thúy Sơn vào 8 giờ sáng một ngày đầu tháng tư, không gian yên tĩnh bao trùm. Mấy chị lao công đang cặm cụi quét dọn, nhặt cỏ. Xa xa, từng tốp cô, cậu học trò ngồi tán gẫu. Vắng khách, những chủ quán đành "giết" thời gian bằng hội "phỏm". Chị H, người đã có thâm niên trong nghề bán nước chè tại công viên cho biết: ở đây chỉ đông người vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Đa số là người đi bộ, tập thể dục. Thỉnh thoảng cũng có gia đình cho con ra đây chơi nhưng chỉ dạo một vòng là về vì chẳng có trò gì níu chân con trẻ.
Nghe chị H nói thế, tôi đưa mắt nhìn ra xung quanh, đúng là công viên còn thiếu quá nhiều thứ để có thể gọi là điểm vui chơi công cộng. Có thời người ta đã gọi công viên Thúy Sơn là công viên cây xanh, bởi nơi đây hầu như chỉ có cây: Cây bóng mát, cây ươm đô thị, cây cỏ. Nhiều chỗ cỏ mọc qua đầu gối. Cái thiếu nhiều nhất là ghế đá, đếm nhanh chỉ có khoảng chục chiếc kê xung quanh hồ, có lẽ vì thế mà những đôi nam nữ đưa nhau đến đây tâm sự đành phải ngồi trên xe máy hoặc kê dép ngồi trên bãi cỏ…
Tại một góc kín đáo của công viên cũng có vài chiếc đu quay, cầu trượt nhưng hình như chúng đã quá "già" và hoạt động rất cầm chừng. Đã vài lần tôi cho con ra đây chơi nhưng không thấy có người phục vụ nên phải chuyển hướng cho cháu đi xem thú. Nói là xem thú nhưng cũng chỉ có mấy chú khỉ, xem mãi trẻ cũng chán.
Công viên Thúy Sơn về đêm.
Nghe bác Đ nói vậy, mấy chị đi bộ cùng chiều ghé sát tai tôi nói: Nếu chị muốn biết thêm thì hãy nhìn kỹ vào những khoảng tối giữa công viên! Tôi bèn tìm một quán nước để ngồi và quan sát. Quả thật, từ những gốc cây thấp thoáng bóng phụ nữ, họ ngồi một mình như thể đang đợi ai. Chị chủ quán cho biết mấy ngày trước tại đây đã xảy ra vụ cãi vã giữa những người phụ nữ đó, nguyên nhân là họ tranh giành "khách" của nhau.
Ngoài số đông người đến đây với mục đích tập thể dục, công viên còn là chốn hẹn hò, là nơi thư giãn, xả hơi sau một ngày làm việc mệt mỏi. Người đi với bạn, người đi cùng chồng, con, người cùng đối tác bàn chuyện làm ăn, buôn bán… có hàng trăm câu chuyện đã diễn ra ở công viên khi màn đêm buông xuống. Những quán nước ở đây cũng nhờ đó mà đắt hàng. Ngay cổng chính của công viên có hàng chục quán, ghế nhựa kê tràn trên bãi cỏ ven hồ. Chốc chốc lại có những tốp thanh niên phóng xe máy, tạt vào nghỉ chân, uống nước. Tôi còn nhớ, trước đây công viên Thúy Sơn đã là tụ điểm của tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, trấn lột. Nhìn những chiếc bơm tiêm vứt chỏng chơ trên đường đi, lại nghe chuyện có đôi nam nữ ngồi tâm sự bị đám thanh niên hư hỏng đến quấy rầy, "xin đểu", thành ra nhiều người rất ngại ra công viên, nhất là buổi tối. Tuy nhiên, tình hình gần đây đã có nhiều chuyển biến. Công viên đã sạch sẽ, phong quang hơn. Người tìm đến công viên cũng nhiều hơn. Theo lời chị bán hàng, tình trạng đánh nhau, tiêm chích ma túy vẫn còn, nhưng thường diễn ra lúc gần nửa đêm, mọi người đã về vãn. Riêng hoạt động mại dâm khá lộ liễu. Đuổi chỗ này, họ lại chạy chỗ khác.
Trao đổi với đồng chí Lã Xuân Hải, Trưởng Công an phường Thanh Bình (địa bàn có công viên Thúy Sơn) chúng tôi được biết: Thời gian qua, Công an phường đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra các giải pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động tại công viên Thúy Sơn, đồng thời phối hợp với Công ty Môi trường - dịch vụ đô thị, tổ dân phòng tăng cường công tác tuần tra, giám sát, xử lý nghiêm những kẻ vi phạm. 2 năm qua, tại công viên còn xảy ra 2 vụ đánh nhau, gây thương tích. Tình trạng hút chích đỡ hẳn. Hiện tại, hoạt động mại dâm vẫn còn, Công an phường đã có hồ sơ quản lý 9 đối tượng, song một số đã dạt đi nơi khác, nay còn 3-4 đối tượng hoạt động thường xuyên. Việc xử lý họ khá nan giải, chủ yếu là "đẩy, đuổi".
Cũng theo đồng chí Lã Xuân Hải, phải củng cố lại hệ thống tường rào, cổng ra vào và sắp xếp lại dịch vụ giải khát trong công viên, có như vậy mới thuận tiện cho công tác bảo vệ, quản lý. Thiết nghĩ, để xây dựng công viên Thúy Sơn trở thành một điểm vui chơi công cộng hấp dẫn, lành mạnh, ngoài việc phải tăng cường công tác an ninh trật tự, đổi mới công tác quản lý, rất cần có sự đầu tư lớn hơn, hiệu quả hơn để có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn hơn, đáp ứng nhu cầu tinh thần cho người dân trên địa bàn.
Hướng đi mới
Trong buổi làm việc với chúng tôi, bà Đinh Thị Thục, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình đã chia sẻ: quy mô của công viên Thúy Sơn so với yêu cầu hiện nay là không còn phù hợp. Tuy nhiên, chủ trương của Thành phố vẫn là giữ nguyên quy hoạch, duy trì tốt các hoạt động để đáp ứng yêu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân trên địa bàn. Vừa qua UBND Thành phố đã ra Quyết định số 518 về việc Quy định quản lý công viên Thúy Sơn. Trong đó khẳng định: Công viên Thúy Sơn là công trình phúc lợi xã hội, là tài sản của Nhà nước, do UBND thành phố Ninh Bình thống nhất quản lý...Các hạng mục chính gồm: Khuôn viên, Núi Dục Thúy, chùa Non Nuớc, đền thờ Trương Hán Siêu, Đài tưởng niệm liệt sĩ. UBND Thành phố giao cho Công ty Môi trường và Dịch vụ đô thị trực tiếp quản lý, khai thác đối với các công trình nằm trong công viên, đồng thời được phép kêu gọi đầu tư nhằm gìn giữ, phát triển công viên; tổ chức các dịch vụ phục vụ tham quan, tín ngưỡng, vui chơi, giải trí trong công viên.
Cũng theo quy định của Thành phố, Công ty Môi trường và Dịch vụ đô thị phải có trách nhiệm đầu tư, sửa chữa, tôn tạo các công trình kiến trúc, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các di tích văn hóa, lịch sử theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt. Nguồn đầu tư gồm: ngân sách nhà nước, vốn của công ty, vốn của các tổ chức, cá nhân tự nguyện đầu tư, tiền vé tham quan, công đức. Cùng với đó là quản lý, chăm sóc cây xanh, bảo đảm vệ sinh môi trường; xây dựng, nâng cấp hệ thống cổng, tường rào; tổ chức địa điểm trông giữ xe khu vực ngoài cổng công viên; tổ chức tuần tra bảo vệ, đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ tốt nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe của nhân dân…
Được biết, từ nhiều năm nay, công viên Thúy Sơn đã được giao cho Công ty Môi trường và Dịch vụ đô thị quản lý, khai thác, song hiệu quả chưa được như mong đợi. Mấy năm gần đây, Công ty cũng đã nhìn ra vấn đề và đầu tư hàng tỷ đồng để nâng cấp công viên, xây dựng hệ thống thoát nước, đường đi, lát vỉa hè. Dịp tết Kỷ Sửu, Công ty đã trồng thêm cây xanh, tạo bồn hoa, mua sắm thêm xe đạp nước Thiên Nga, sơn sửa lại đu quay dọc, lắp đặt thêm hệ thống chiếu sáng. Hàng ngày có 15 người chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ, cắt tỉa cây, quét dọn, tổ chức các dịch vụ vui chơi trong công viên. Để đáp ứng yêu cầu đặt ra, Công ty Môi trường và Dịch vụ đô thị xác định cần phải thực hiện đổi mới quản lý, tăng cường đầu tư xây dựng, lập lại nền nếp, trật tự tại công viên…
Hiện, Công ty đã xây dựng được nội quy hoạt động tại công viên, trong đó quy định giờ mở cửa, đóng cửa; quy định điểm trông giữ xe; hoạt động bán hàng; cấm các hành vi xâm hại đến công viên… Vừa qua, Công ty đã đầu tư, xây dựng cổng ra vào và tiến hành liên kết với một số đối tác tham gia đầu tư, phát triển công viên. Theo bà Tạ Thị Sản, giám đốc Công ty, trước mắt, Công ty sẽ đầu tư mua sắm thêm ghế đá; tiến hành lắp đặt nhà vệ sinh lưu động, thùng rác công cộng tại các góc của công viên; nghiên cứu, nuôi thêm một số loài thú; quy hoạch khu vui chơi riêng, khu dịch vụ riêng; tổ chức thêm một số hoạt động vui chơi cho trẻ em; tăng cường công tác giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…Hy vọng, trong thời gian tới, người dân thành phố Ninh Bình sẽ được thấy diện mạo mới của công viên Thúy Sơn với những hoạt động lành mạnh, hấp dẫn hơn đáp ứng yêu cầu sinh hoạt tinh thần, rèn luyện sức khỏe của người dân trên địa bàn.
Hà Trang-Phạm Trường