Tỉnh Ninh Bình hiện có 150 trường mầm non, trong đó có 148 trường công lập và 2 trường tư thục. Có 853 nhóm nhà trẻ với gần 19 nghìn cháu, đạt trên 57% dân số độ tuổi và 1.236 lớp mẫu giáo với trên 40 nghìn cháu, đạt 98% dân số độ tuổi.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo và các phòng Giáo dục và Đào tạo đã dựa vào chương trình khung của Bộ, xây dựng kế hoạch năm học phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Sau mỗi năm học, kế hoạch này được bổ sung, điều chỉnh để đảm bảo tính khoa học và hợp lý. Từ kế hoạch năm học, mỗi giáo viên xây dựng kế hoạch chủ đề/tháng, tuần, ngày cho lớp mình phụ trách.
Bên cạnh các lớp tập huấn về chương trình GDMN mới, các lớp bồi dưỡng về công nghệ thông tin, làm đồ dùng, đồ chơi… cũng được triển khai. Ngoài ra, các đơn vị còn động viên giáo viên học thêm về ngoại ngữ, tin học, nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới; mạnh dạn áp dụng những phương pháp mới, truy cập thông tin qua mạng và các phương tiện khác để bổ sung tư liệu, nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hiện chương trình; tổ chức các đoàn đi tham quan học tập kinh nghiệm ở các tỉnh, giữa các trường trong tỉnh…
Cô giáo Phạm Thị Thêu, Hiệu phó Trường Mầm non Tân Thành cho biết: Việc xây dựng cảnh quan, môi trường hoạt động trong và ngoài lớp được nhà trường quan tâm. Bởi, qua các môi trường giáo dục này sẽ có sự hấp dẫn, kích thích trẻ tham gia tìm tòi khám phá, bộc lộ khả năng cá nhân…
Đặc biệt từ khi thực hiện chương trình GDMN mới, nhà trường chú ý hơn đến việc lựa chọn những hoạt động gần gũi, thiết thực với cuộc sống của trẻ như: dạy kỹ năng tự phục vụ bản thân, kỹ năng giao tiếp - ứng xử, hợp tác; kỹ năng giải quyết xung đột, kiềm chế cảm xúc…
Khi trang trí, tổ chức các hoạt động giáo dục trong và ngoài lớp học, đội ngũ giáo viên căn cứ vào mục tiêu giáo dục của từng chủ đề, đồng thời tận dụng tối đa môi trường không gian xung quanh lớp học, khai thác các thiết bị, đồ dùng sẵn có, bổ sung thêm thiết bị, đồ dùng tự làm. Việc sắp xếp, thay đổi chủ đề được tính toán để bảo đảm tận dụng các nguyên liệu, hiện vật của các chủ đề, bảo đảm tính liên kết, dẫn dắt để trẻ phát huy trí tưởng tượng…
Chẳng hạn như, từ mô hình góc "cửa hàng", trẻ được dạy kỹ năng nhận biết, phân biệt, so sánh về số lượng, loại đồ dùng và cách sử dụng trong đời sống hàng ngày…; hoặc trong góc âm nhạc, tạo hình, giáo viên đã lồng ghép cả nội dung về toán như: so sánh số lượng người với số lượng ghế trong trò chơi âm nhạc, đếm số bông hoa khi vẽ…
Hay, từ chủ đề "Thế giới thực vật" chuyển sang chủ đề "Thế giới động vật", những mảng tranh tường, tranh chủ đề với cây xanh, hàng rào, thảm cỏ… được giữ lại và bổ sung thêm các con vật bằng các vật liệu khác nhau sẽ giúp các em dễ tưởng tượng và hiểu rõ nội dung cần truyền đạt của cô giáo. Với việc linh hoạt lồng ghép các hoạt động đã kích thích trẻ tự tìm hiểu, phát hiện ra các chức năng sử dụng của đồ dùng, đồ chơi, tránh sự đơn điệu, nhàm chán, tạo cho trẻ em sự hấp dẫn, mới lạ, giúp cho trẻ dễ tiếp thu bài học và có thể tham gia thể hiện ý tưởng của mình.
Bà Lã Thị Lụa, Trưởng phòng Giáo dục mầm non - Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, trong 3 năm (2010-2013), toàn tỉnh đã đầu tư trên 405 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị giáo dục phục vụ bậc học mầm non. Cùng với đó, các trường mầm non cũng đã phát huy hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, đặc biệt ở các lớp 5 tuổi.
Đến nay, toàn tỉnh có 434/436 lớp 5 tuổi có phòng học đảm bảo yêu cầu phổ cập, đạt 99,5%; trong đó số phòng học kiên cố, đạt chuẩn có 403 phòng (chiếm 92,8% so với tổng số phòng đảm bảo yêu cầu phổ cập). Về thiết bị, có 436/436 lớp mẫu giáo 5 tuổi có đủ thiết bị tối thiểu theo Thông tư 02/2010/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo; có 378/436 lớp có bộ phần mềm trò chơi ứng dụng công nghệ thông tin.
Các trường mầm non cũng huy động nguồn kinh phí xã hội hóa mua sắm nhiều thiết bị, đồ dùng như giá tủ đựng đồ dùng, đồ chơi, bàn ghế cho cô và trẻ, bảng đa năng, đàn organ, bộ Kidsmart, đồ chơi ngoài trời và bổ sung, thay mới giường, đệm… cho các cháu.
Hiện, 100% các trường mầm non đều đã tổ chức làm đồ dùng, đồ chơi phù hợp với điều kiện của từng trường, tạo thành phong trào thi đua trang trí môi trường giáo dục, đảm bảo nuôi dạy và chăm sóc trẻ hiệu quả. ở nhiều lớp học, việc trang trí môi trường giáo dục đã tạo cho trẻ sự năng động, linh hoạt, kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo của trẻ như cô giáo làm mẫu một vài vật dụng, sau đó gợi ý cho trẻ làm; hoặc khuyến khích các bé cùng làm với cô để trẻ có hứng thú trong công việc và hiểu được ý nghĩa công việc.
Việc áp dụng phương pháp trang trí môi trường giáo dục giúp trẻ tích cực khai thác, tìm tòi phát huy trí tưởng tượng, nghĩ ra nhiều cách chơi, đáp ứng việc cung cấp và củng cố kiến thức, kỹ năng cho trẻ.…
Như vậy, với việc quan tâm trang trí môi trường giáo dục trong các trường mầm non là một biện pháp hữu hiệu nhằm xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", giúp trẻ háo hức khi đến trường, có tác dụng hỗ trợ giáo dục, kích thích trẻ chủ động tích cực tham gia vào các bài học theo chương trình giáo dục mầm non mới. Việc triển khai đồng bộ các biện pháp giáo dục trong nhà trường, cùng với sự chăm sóc và giáo dục toàn diện sẽ tạo tiền đề để trẻ phát triển toàn diện, đủ hành trang sẵn sàng bước vào bậc học mới.
Mỹ Hạnh