Cùng dự buổi sinh hoạt ngoại khóa tập huấn về phòng chống bạo lực học đường và bạo hành trẻ em tại trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (thành phố Ninh Bình) do Báo Nhi đồng phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình phối hợp tổ chức nhận thấy, buổi tập huấn đã thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo thầy cô giáo và các em học sinh nhà trường. Em Trịnh Thị Thúy Hằng, học sinh lớp 5A cho biết: Em được cha mẹ và cô giáo nhắc nhở, dặn dò khá nhiều lần về việc không được tự ý thân thiết, đi chơi, nhận quà với người lạ, kể cả người quen mà không phải anh em ruột thịt nhà mình. Qua theo dõi các tình huống tại buổi tập huấn, em hiểu thêm, rất có thể những người xâm hại, lợi dụng mình là người quen xung quanh cuộc sống của mình, như bạn của bố mẹ, anh chị em hoặc ngay như bác bán bánh mì, ông bảo vệ nhà trường… Chúng em sẽ phải thận trọng và dứt khoát mạnh mẽ, tự tin để đối phó với các tình huống bị dụ dỗ, bị cưỡng chế hoặc gạ gẫm xâm hại bản thân.
Chăm chú lắng nghe tại buổi tập huấn về bạo lực học đường và bạo hành trẻ em tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, chị Nguyễn Thị Thanh An, phụ huynh một học sinh nữ tại trường chia sẻ: "Qua các phương tiên thông tin đại chúng và qua thực tế đã có những trường hợp xảy ra gần nơi sinh sống, tôi rất lo lắng trước tình trạng quấy rối và xâm hại tình dục ở trẻ em, bởi nhiều khi các em còn quá nhỏ và thơ ngây không biết những việc mình bị lợi dụng, bị hãm hại, khi sự việc trở nên đáng tiếc mới thông báo cho cha mẹ, thầy cô giáo biết thì đã muộn. Vì vậy, việc tổ chức các buổi tập huấn như thế này là hoạt động thực sự ý nghĩa, hữu ích đối với chính bản thân các cháu, cho các giáo viên và cả các bậc phụ huynh. Nhờ buổi tập huấn này, tôi có thêm các kiến thức và kỹ năng cần thiết để về hướng dẫn lại cho con cách tự bảo vệ mình để không bị bạo hành và xâm hại…".
Giảng viên lớp tập huấn - Tiến sĩ Hoàng Thị Kim Huệ, khoa Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Sư phạm I Hà Nội cho rằng, người lớn chúng ta đang có suy nghĩ trẻ em còn nhỏ dại nên chưa biết gì về giới tính, hoặc nói có khi không hiểu, không biết; nhưng tại buổi tập huấn, khi giảng viên hướng dẫn, gợi ý, đưa ra những câu hỏi tìm hiểu, hướng dẫn những vấn đề cần thiết để tránh việc bị xâm hại tình dục; rất nhiều em học sinh đã xung phong phát biểu, bộc lộ những suy nghĩ, hiểu biết của mình về những vấn đề được giảng viên nêu lên. Như việc nhận diện vùng bikini, nhận diện người xấu; những vùng nhạy cảm người khác không được động chạm vào nếu không được sự cho phép của các em; những nguyên tắc cảnh báo cần thiết khi gặp nguy hiểm và cả những tình huống giả định mà các em thường gặp trong cuộc sống…. Từ các tình huống giả định đó đã tạo cho các em có những phản ứng, giải quyết ghi nhớ để không xảy ra tình trạng bị xâm hại, bị lợi dụng, bị bắt cóc… Cùng với đó, các thầy, cô giáo và các em học sinh được tìm hiểu thêm về công tác phòng chống bạo lực học đường, bạo hành trẻ em, để không xảy ra những sự việc đáng tiếc làm ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa thầy với trò, gây hại cho sức khỏe, tinh thần, thái độ học tập của học sinh và việc giảng dạy của thầy cô giáo cũng như các hoạt động giáo dục tích cực trong nhà trường.
Ngày 17/7/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Theo đó, cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục bảo đảm các yêu cầu như phải có khuôn viên, cổng trường, biển tên trường, tường rào, hàng rào, sân vườn, cây xanh bảo đảm an toàn, vệ sinh, phù hợp cảnh quan, môi trường thân thiện. Có sân chơi, bãi tập, khu để xe phù hợp và thân thiện với người học, có khối phòng học, phòng học bộ môn, phòng phục vụ học tập bảo đảm đủ ánh sáng, thoáng mát, có bàn ghế phù hợp với người học. Có khu nhà ăn, nhà nghỉ đối với các cơ sở giáo dục tổ chức bán trú, nội trú, công trình vệ sinh, nước sạch và các công trình xây dựng khác bảo đảm an toàn, thân thiện, dễ tiếp cận, phù hợp với nhu cầu đa dạng của người sử dụng. Thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi trẻ em của cơ sở giáo dục, lớp độc lập bảo đảm phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của người học, được sắp xếp và sử dụng an toàn, hợp lý, dễ tiếp cận.
Ngoài ra, pháp luật về phòng chống bạo lực học đường còn đưa ra các biện pháp can thiệp khi xảy ra bạo lực học đường. Cụ thể, đánh giá sơ bộ về mức độ tổn hại của người học, đưa ra nhận định về tình trạng hiện thời của người học. Thực hiện ngay các biện pháp trợ giúp, chăm sóc y tế, tư vấn đối với người học bị bạo lực; theo dõi, đánh giá sự an toàn của người bị bạo lực. Thông báo kịp thời với gia đình người học để phối hợp xử lý, trường hợp vụ việc vượt quá khả năng giải quyết của cơ sở giáo dục thì thông báo kịp thời với cơ quan công an, UBND xã, phường, thị trấn và các cơ quan liên quan để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
Hạnh Chi