Thực tế sản xuất nông nghiệp hiện nay đang rất nhỏ lẻ, manh mún, gây khó khăn trong chỉ đạo điều hành sản xuất của HTX cũng như việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Trong khi đó, lực lượng lao động nông thôn có xu hướng chuyển dịch mạnh sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ dẫn đến có tình trạng bỏ ruộng, bỏ vụ, lãng phí đất đai. Điều đáng mừng là Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều quy định mới, trong đó có những nội dung mang tính đột phá, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp.
Cụ thể, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung Điều 185 và 186 quy định về nguyên tắc, điều kiện, hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp. Theo đó, Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất đã tập trung. Kinh phí cho công tác đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất để thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 186 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì: Tổ chức kinh tế, cá nhân thực hiện việc tập trung đất nông nghiệp phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quyết định.
Trên thực tế, đối với trường hợp tập trung đất nông nghiệp để thực hiện dự án, thì tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân tập trung đất đai có phải thực hiện theo thủ tục của pháp luật về đầu tư không? Mối quan hệ giữa thủ tục này với thủ tục của pháp luật về đầu tư như thế nào? Đây là quy định về mặt thủ tục có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện, trái với xu hướng cải cách về thủ tục hành chính, do vậy cần quy định rõ vấn đề trên.
Ông TRẦN VĂN THƠ
(HTX Đông Thiện, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn)