Xã Khánh Trung (huyện Yên Khánh) là một trong những địa phương thực hiện tốt mô hình liên kết "4 nhà": nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp. Trong đó cán bộ khuyến nông xã giữ vai trò là nhà khoa học, làm nhiệm vụ phổ biến quy trình kỹ thuật sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao theo quy trình sản xuất sạch cho bà con nông dân; Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình cung ứng trước giống và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với HTX nông nghiệp. Khi thu hoạch lúa, Công ty thu mua lúa tươi ngay tại đầu bờ với giá bằng giá lúa khô ngoài thị trường. Bà con nông dân phấn khởi, yên tâm sản xuất, không phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Chị Phạm Thị Hoa, xã viên HTX Kiến Thái, xã Khánh Trung là một trong những nông dân tham gia mô hình liên kết "4 nhà" trong sản xuất lúa cho biết: Sản xuất lúa theo mô hình này mang lại nhiều hiệu quả. Bên cạnh chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều thấp hơn trước đây rất nhiều, mô hình còn góp phần bảo vệ môi trường, gắn kết chặt chẽ với môi trường canh tác xung quanh, nông dân có thể nâng cao trình độ canh tác. Ngoài ra, chị Hoa còn ký hợp đồng với Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình, do vậy lúa của gia đình chị thu hoạch đưa lên bờ là Công ty đến thu mua luôn. Chị Hoa vui vẻ nói: "Bây giờ máy móc thay thế hết sức người rồi, doanh nghiệp cũng đến tận ruộng thu mua lúa tươi nên bà con nông dân nhàn quá không phải gặt, cũng không phải phơi".
Ông Phạm Ngọc Duân, Chủ tịch UBND xã Khánh Trung cho biết: Khánh Trung là một trong những xã đầu tiên của huyện Yên Khánh thực hiện chủ trương liên kết "4 nhà" nhằm kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo. Điển hình như mô hình liên kết sản xuất lúa với Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình với mục tiêu sản xuất những giống lúa chất lượng cao theo hợp đồng với Công ty bao tiêu sản phẩm đầu ra. Trong vụ mùa 2015, toàn xã đã có trên 115 ha diện tích hợp đồng giữa nông dân và Công ty với giá thu mua tươi ngay tại đồng ruộng bằng với giá lúa khô ở thời điểm hiện tại. Nhờ đó, nông dân tránh được rủi ro biến động về giá do hợp đồng được ký với giá cố định ngay từ đầu vụ.
Khi thực hiện mô hình liên kết "4 nhà" trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, vai trò và lợi ích của các bên tham gia được nâng lên đáng kể. Nhà nông có điều kiện tiếp cận vốn, các tiến bộ khoa học và công nghệ, được cung cấp vật tư nông nghiệp và được bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp, họ yên tâm và mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao trình độ thâm canh. Nhà doanh nghiệp có nơi tiêu thụ vật tư, phân bón, xăng dầu, thuốc phòng trừ dịch bệnh, có nguồn nguyên liệu ổn định, chủ động trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhà nước tổ chức liên kết, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ và nâng cao vai trò quản lý. Nhà khoa học có điều kiện nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và chế biến lúa gạo, từng bước đưa nông dân vào tiến trình hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy việc liên kết "4 nhà" đang được doanh nghiệp giữ vai trò "nhạc trưởng". Ông Vũ Văn Nga, Giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình cho biết: Để có được vùng nguyên liệu cung cấp các sản phẩm lúa, gạo đạt tiêu chuẩn thì doanh nghiệp phải chủ động kết nối với chính quyền, nhà khoa học và từng người dân từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm theo quy trình khép kín. Công ty cũng thực hiện thu mua lúa tươi ngay tại đầu bờ để đảm bảo theo đúng quy trình sản xuất khép kín.
Với hệ thống tháp sấy hiện đại, công suất lớn của Nhật Bản, hạt lúa được tuần hoàn liên tục nên khô đều. Cùng với đó là hệ thống dây chuyền chế biến hiện đại có khả năng lau bóng, tách màu, lọc một số tạp chất. Hạt gạo sau khi thành phẩm không bị gãy nát, có độ sáng bóng đều và giữ được hương thơm đặc trưng. Nhờ có sự liên kết "4 nhà" và sản xuất theo quy trình khép kín, giá trị gia tăng của hạt gạo tăng 1,5 lần so với quy trình sản xuất truyền thống.
Từ các mô hình liên kết "4 nhà" của các xã trên địa bàn huyện Yên Khánh trong thời gian qua cho thấy, việc xây dựng các "cánh đồng mẫu lớn" và vùng nguyên liệu là xu thế tất yếu để mở rộng quy mô sản xuất thông qua quá trình liên kết hợp tác, nâng cao chất lượng lúa gạo, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm gạo Ninh Bình trên thị trường trong nước và thế giới.
Thiết nghĩ, để giúp Ninh Bình và các địa phương phát triển vững chắc các "cánh đồng mẫu lớn" và vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, Bộ Nông nghiệp & PTNT cần sớm có chương trình xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa gạo quốc gia, gắn với tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm VietGap, đặc biệt là cần có những chính sách hỗ trợ hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng để nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng. Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo cần quan tâm phối hợp cùng ngành nông nghiệp xây dựng nhiều hơn mô hình "cánh đồng mẫu lớn" và vùng nguyên liệu theo phương thức "sản xuất theo hợp đồng" để chủ động nguồn nguyên liệu, phát huy hiệu quả cụm kho, nhà máy xay xát, nâng cao chất lượng và hiệu quả trên từng diện tích canh tác, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm