Theo nội dung Đề án vừa được công bố, từ năm học 2009-2010, học phí của các trường ĐH sẽ tăng lên 255.000 đồng/tháng so với mức 180.000 đồng/tháng hiện nay. Đây là bước mở đầu cho lộ trình tăng học phí của giáo dục ĐH để đạt đến mức cao nhất là 550.000-800.000 đồng/tháng tùy theo từng nhóm ngành đào tạo vào năm 2014. Đối với dạy nghề, mức học phí áp dụng từ năm học mới sẽ là 170.000 đồng/tháng, tăng thêm 50.000 đồng so với mức 120.000 đồng/tháng hiện nay. Học phí của các trường này cũng có lộ trình tăng dần từ nay đến năm 2014 để đạt đến mức 500.000-700.000 đồng/tháng tùy từng nhóm ngành.
Đề án còn thay đổi chính sách miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm bằng chính sách tín dụng sinh viên. Khi ra trường nếu người học phục vụ trong hệ thống giáo dục quốc dân ít nhất bằng hai lần thời gian đào tạo thì Nhà nước sẽ xóa phần nợ (cả gốc và lãi) đã chi trả học phí.
Đối với học phí phổ thông được xác định trên cơ sở lấy mức 6% thu nhập bình quân hộ gia đình trừ đi những chi phí khác phục vụ việc học tập của học sinh để tính ra mức học phí cụ thể của từng địa phương. Mức học phí mới ở phổ thông sẽ tăng ở khu vực thành phố, vùng có điều kiện kinh tế, còn ở khu vực nông thôn, miền núi, học phí sẽ giảm so với mức thu hiện hành.
Theo đó, các thị xã, thị trấn năm 2008 có thu nhập bình quân đầu người 800.000 đồng một tháng thì học phí mầm non, THCS, THPT là 35.000 đồng. Các hộ ở đồng bằng có thu nhập 650.000 đồng một tháng đóng học phí 17.000 đồng. Còn vùng miền núi thu nhập 400.000 đồng, học sinh không phải đóng học phí và mỗi tháng được hỗ trợ thêm 13.000 đồng mỗi tháng.
Từ năm 2010 sinh viên ngành sư phạm không được miễn học phí nhưng được vay tiền để đóng học phí. Sau khi tốt nghiệp, nếu phục vụ trong hệ thống giáo dục quốc dân ít nhất bằng hai lần thời gian đào tạo thì sinh viên sẽ được xóa phần nợ (cả gốc và lãi) đã chi trả học phí.
Theo Bộ GD-ĐT, năm 2009-2014, lương giáo viên mầm non tăng từ 2,86 triệu đồng (2009) lên 4,58 triệu đồng một tháng (2014), tiểu học từ 3,6 triệu lên 5,75 triệu đồng, THCS từ 3,1 lên 5 triệu đồng, THPT từ 4,2 lên 6,7 triệu đồng, TCCN và trung cấp nghề từ 4,26 lên 6,8 triệu đồng, giảng viên đại học, cao đẳng từ gần 4,5 triệu lên 7,1 triệu đồng. * Khung học phí đào tạo ĐH của các nhóm ngành đào tạo đại trà:
Nhóm ngành | Năm 2008 | Năm 2009 | Năm 2010 | Năm 2011 | Năm 2012 | Năm 2013 | Năm 2014 |
KHXH, kinh tế, luật | 180 | 255 | 290 | 350 | 410 | 480 | 550 |
Kỹ thuật, công nghệ | 180 | 255 | 310 | 390 | 480 | 560 | 650 |
Khoa học tự nhiên | 180 | 255 | 310 | 390 | 480 | 560 | 650 |
Nông- lâm- thủy sản | 180 | 255 | 290 | 350 | 410 | 480 | 550 |
Y dược | 180 | 255 | 340 | 450 | 560 | 680 | 800 |
TDTT, nghệ thuật | 180 | 255 | 310 | 390 | 480 | 560 | 650 |
Sư phạm | | | 280 | 330 | 380 | 440 | 500 |
* Khung học phí của Trung cấp nghề và CĐ nghề của các nhóm ngành đào tạo đại trà:
Nhóm ngành | Năm 2008 | Năm 2009 | Năm 2010 | Năm 2011 | Năm 2012 | Năm 2013 | Năm 2014 |
Khối thăm dò địa chất, thủy văn, khí tượng | 120 | 170 | 270 | 370 | 470 | 580 | 700 |
Khối hàng hải | 120 | 170 | 260 | 340 | 420 | 500 | 610 |
Khối y tế, dược | 120 | 170 | 250 | 330 | 410 | 490 | 580 |
Khối cơ khí luyện kim, kỹ thuật nhiệt và điện, kỹ thuật xây dựng | 120 | 170 | 240 | 320 | 400 | 480 | 560 |
Khối công nghệ lương thực và thực phẩm | 120 | 170 | 230 | 310 | 380 | 460 | 540 |
Khối kỹ thuật bảo quản và vật tư hàng hóa | 120 | 170 | 230 | 300 | 380 | 460 | 530 |
Khối VH, thể thao-du lịch | 120 | 170 | 230 | 300 | 380 | 460 | 520 |
Khối kỹ thuật điện tử, bưu chính viễn thông | 120 | 170 | 230 | 300 | 370 | 430 | 500 |
Theo Dantri