Tham khảo nhanh ý kiến một số giáo viên và học sinh lớp 12 đánh giá, đề tham khảo các môn thi THPT 2021 về cơ bản giữ nguyên cấu trúc của đề thi từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, ở hầu hết các môn đều có sự phân hóa hơn so với năm 2020. Điều này được cho là phù hợp trong điều kiện thực tế dạy và học năm nay, tạo thuận lợi cho các trường đại học trong công tác tuyển sinh.
Đối với bộ môn Ngữ văn, theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng, giáo viên Văn, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Ninh Bình), đề tham khảo năm nay vẫn giữ nguyên 2 phần như cấu trúc từ nhiều năm nay. Trong đó, phần đọc hiểu 3 điểm, phần tập làm văn, câu viết đoạn văn nghị luật xã hội là 2 điểm và bài nghị luận văn học là 5 điểm.
"Nói chung, với cấu trúc quen thuộc, mức độ các câu hỏi vừa sức cho hầu hết các em học sinh. Trong đó, phần đọc hiểu là phần kiến thức giúp học sinh đảm bảo được quỹ điểm cần thiết cho thí sinh trong quá trình thực hiện các yêu cầu của đề bài. Đây là điều quan trọng, đem lại cảm giác an toàn cho giáo viên và học sinh trong các trường THPT để tập trung ôn luyện trong thời gian tới. Tuy nhiên, đối với những học sinh học lực khá môn Văn hoặc thi tuyển các khối có bộ môn này, với đề bài quen thuộc như vậy, làm cho môn Ngữ văn thiếu đi sự mới mẻ, bất ngờ, không tạo ra sự sáng tạo, thú vị cho mỗi kỳ thi..." - cô giáo Hằng cho biết thêm.
Em Nguyễn Ngọc Hà Mi, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Ninh Bình) cho rằng, đề tham khảo môn Ngữ văn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay có độ phân hóa khá. Với học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản thì phần đọc hiểu và nghị luận xã hội sẽ dễ dàng vượt qua. Riêng phần nghị luận văn học, bài "Ai đã đặt tên cho dòng sông?", là một bài khó và dài, trong thời gian 120 phút thì khó có thể hoàn thành. Với những bạn học trung bình, điểm môn Ngữ văn chỉ được khoảng 5 hoặc hơn 5 điểm một chút, còn sức học khá tốt mới có thể đạt điểm 7 hoặc cao hơn.
Ở bộ môn Toán, theo thầy giáo Đinh Cao Thượng, giáo viên Toán, Trường THPT Kim Sơn A (huyện Kim Sơn), về cấu trúc đề thi, đề năm nay có cấu trúc tương tự đề thi chính thức năm 2020, gồm có 50 câu và thời gian làm trong 90 phút. Trong đó, phân bổ phạm vi kiến thức thì lớp 12 có 45 câu, tương đương với 9 điểm và gồm tất cả các nội dung trong chương trình lớp 12. Kiến thức lớp 11 chỉ có 5 câu, với 1 điểm, gồm mỗi phần 1 câu về dãy số, xác suất, tổ hợp, góc, khoảng cách.
"Các mức độ phân bố trong đề tham khảo gồm 4 mức: Mức độ dễ, đạt 6 điểm, từ câu 1 đến 30; mức độ trung bình, đạt 2 điểm, từ câu 31 đến 40; mức độ khó, 1 điểm, từ câu 41 đến 45 và mức độ rất khó, đạt 1 điểm, từ câu 46 đến 50. So sánh với đề thi năm 2020 nhận thấy, để đạt 8 điểm đầu tiên, kiến thức có cùng mức độ đề 2020. Tuy nhiên, để đạt 2 điểm tiếp theo thì khó hơn và đặc biệt rất khó ở 5 câu cuối. Nên nếu để được điểm 10 môn Toán, học sinh phải rất xuất sắc..." - Thầy giáo Đinh Cao Thượng nhận định.
Đối với đề tham khảo của các bài thi tổ hợp KHXH, gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và bài thi tổ hợp KHTN, với các môn Lý, Hóa, Sinh, được các giáo viên bộ môn đánh giá là vừa sức với học sinh nhưng đều có sự phân hóa khá tốt. Phần lớn các câu hỏi đều tập trung trọng tâm vào kiến thức lớp 12, phần câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
Các giáo viên đều chung nhận định, đề thi tham khảo năm nay có sự phân hóa cao hơn so với năm 2020. Các đề thi phân hóa từ câu 31 đến câu 40, trong đó phân hóa mạnh từ câu 35 đến câu 40. Với đề thi này, học sinh xét tốt nghiệp THPT có thể đạt 6 điểm, khá giỏi có thể đạt 7,5 điểm trở lên, nhưng điểm tuyệt đối sẽ ít hơn năm trước... Theo đại đa số giáo viên, tăng sự phân hóa là sự điều chỉnh hoàn toàn phù hợp của Bộ GD&ĐT, bởi năm nay, dịch bệnh COVID-19 không còn phức tạp như năm trước, học sinh có nhiều thời gian để học tập và ôn luyện hơn.
Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Đây được xem là cơ sở để các trường THPT, giáo viên và học sinh có định hướng phù hợp để ôn tập. Cũng theo các giáo viên dạy lớp 12 THPT, từ nay đến lúc thi tốt nghiệp THPT dự kiến chỉ còn khoảng 3 tháng, với việc công bố đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT, tạo thuận lợi cho giáo viên và học sinh bám sát chương trình và tập trung cho công tác ôn luyện, phấn đấu đạt điểm cao trong kỳ thi.
Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vẫn sẽ có 5 bài thi, trong đó có 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Dự kiến, các thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong 2 ngày 7 và 8/7, ngày thi dự phòng là 9/7. Thứ tự thi các môn được giữ nguyên như năm trước, môn Ngữ văn vào sáng 7/7, buổi chiều thi môn Toán. Ngày 8/7, buổi sáng, các thí sinh thi một trong 2 bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội theo lựa chọn; buổi chiều thi môn Ngoại ngữ.
Theo cấu trúc đề thi tham khảo, phần lớn nội dung đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng cơ bản trong chương trình trung học phổ thông chủ yếu lớp 12. Nội dung đề thi sẽ không ra vào phần kiến thức đã được Bộ GD&ĐT giảm tải. Đề thi cũng có một tỷ lệ câu hỏi có độ khó cao hơn nhằm mục đích phân hóa học sinh, tạo điều kiện cho các trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả thi, làm cơ sở tuyển sinh cho năm học 2021-2022.
Bài, ảnh: Hạnh Chi