Toàn tỉnh hiện có 1.925 doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đang hoạt động, thu hút trên 75.600 lao động, chủ yếu là lao động trẻ, có kỹ thuật, được đào tạo nghề vào làm việc. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng trong các doanh nghiệp được quan tâm và đạt được một số kết quả quan trọng. Hiện nay, Đảng bộ tỉnh có 69 tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, với 1.820 đảng viên. Các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đã cơ bản thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng; thường xuyên, giáo dục đảng viên, đoàn viên, hội viên, công nhân lao động và chủ doanh nghiệp chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Nhiều tổ chức đảng trong doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò, vị trí của mình, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lượng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước còn ít; chất lượng hoạt động còn nhiều hạn chế; sinh hoạt đảng chưa được duy trì nền nếp, nội dung sinh hoạt còn lúng túng; vai trò lãnh đạo của cấp ủy và đảng viên còn mờ nhạt; thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy và quy chế phối hợp giữa cấp ủy với lãnh đạo doanh nghiệp còn hình thức. Công tác phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; công tác quản lý và phân công công tác cho đảng viên còn nhiều bất cập...
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do tình hình suy thoái kinh tế trong và ngoài nước đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, gây ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của người lao động; nhiều doanh nghiệp có quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, theo thời vụ, tính ổn định thấp; đa số chủ doanh nghiệp chỉ quan tâm đến sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận. Một số cấp ủy đảng chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng trong doanh nghiệp; quá trình chỉ đạo chưa sâu sát, thiếu kiên quyết; công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục còn hình thức; việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách thành cơ chế để thực hiện còn chậm và thiếu đồng bộ; cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp là kiêm nhiệm, điều kiện làm việc khó khăn; kinh phí hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể còn thấp.
Từ thực trạng nêu trên, trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn trong thời gian tới, việc tăng cường xây dựng và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn tỉnh được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Để làm được điều này cần triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục quán triệt sâu sắc Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư (khóa X), Nghị định số 98/2014/NĐ-CP ngày 24-10-2014 của Chính phủ quy định việc "Thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế" và các chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến doanh nghiệp và người lao động, các chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu và sự cần thiết phải tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, nâng cao nhận thức của các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và đội ngũ doanh nhân.
Đổi mới phương pháp, hình thức vận động, tuyên truyền để thuyết phục chủ doanh nghiệp nhận thức được việc thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp không chỉ bảo đảm lợi ích của tổ chức đảng mà còn mang lại lợi ích cho doanh nghiệp thông qua việc giáo dục, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp cho người lao động. Tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về sự phối hợp giữa tổ chức đảng với hội đồng quản trị, chủ doanh nghiệp; giữa các doanh nghiệp có tổ chức đảng với doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng. Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc quy định của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của các loại hình tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác xây dựng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp; phân công cấp ủy viên trực tiếp phụ trách doanh nghiệp, kịp thời giúp tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm những vấn đề nảy sinh ở doanh nghiệp. Lấy kết quả xây dựng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp là một trong những tiêu chí đánh giá phân loại hằng năm của cấp ủy các cấp; đồng thời biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp làm tốt công tác xây dựng Đảng. Hoàn thiện mô hình tổ chức đảng, đoàn thể chính trị-xã hội trong doanh nghiệp. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; đẩy mạnh phát triển tổ chức đảng và đảng viên. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; có chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp…
P.V