Nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/1945 - 13/10/2019) phóng viên Báo Ninh Bình (PV) đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đăng Khuyến, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu và đầu tư Thành Hóa - một trong 5 doanh nhân tiêu biểu được Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đề nghị khen thưởng vì có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong năm 2019.
PV: Trong nhiều năm qua, sản phẩm của Công ty TNHH sản xuất và đầu tư Thành Hóa đã trở thành một thương hiệu mạnh trong chế biến hàng cói mỹ nghệ ở Ninh Bình, đóng góp vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển làng nghề của địa phương. Xin ông sơ lược về quá trình phát triển của Công ty và kết quả sản xuất 9 tháng đầu năm 2019?
Ông Phạm Đăng Khuyến: Công ty TNHH sản xuất và đầu tư Thành Hóa được thành lập từ năm 1996 trên cơ sở ban đầu là Tổ hợp sản xuất chiếu cói, hàng cói mỹ nghệ. Từ các sản phẩm về cói, nhận thấy lợi thế về nguồn nguyên liệu dồi dào lại phù hợp với thị hiếu của khách hàng, Công ty đã sản xuất thêm các sản phẩm từ nguyên liệu bèo như bình hoa, bát cói...
Nhìn lại chặng đường 23 năm qua, Công ty đã trải qua không ít thăng trầm trước sự biến động của nền kinh tế thị trường; giá cả nguyên liệu đầu vào tăng đột biến, ảnh hưởng giá thành của sản phẩm, trong khi đó khách nước ngoài không tăng giá sản phẩm mà yêu cầu của đối tác ngày càng cao về chất lượng, mẫu mã.
Bên cạnh đó, trên cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Ninh Bình nói riêng ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục vận động, liên tục đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng.
Đến nay, có thể khẳng định bằng sự cố gắng, biết nắm bắt thời cơ và phát huy tốt nội lực, Công ty đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, vươn lên khẳng định thương hiệu, sản phẩm chiếm lĩnh thị phần trên thế giới. Ngoài duy trì sản xuất các mặt hàng truyền thống, Công ty TNHH xuất khẩu và đầu tư Thành Hóa liên tục thiết kế, đổi mới mẫu mã, tiết giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Đến nay, sản phẩm của Công ty đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới thông qua hoạt động xuất khẩu cho các doanh nghiệp trung gian. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty ngày càng phát triển, doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước với doanh thu bình quân đạt 28-32 tỷ đồng/năm. Đặc biệt trong năm 2018 có sự phát triển vượt bậc của Công ty với doanh thu đạt hơn 48 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 2,2 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm 2019 hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty tiếp tục duy trì ổn định với doanh thu đạt 34,7 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 1,7 tỷ đồng. Hiện nay việc tìm kiếm các đơn hàng của Công ty khá thuận lợi, có những mã hàng đã ký đến hết năm 2020. Dự kiến trong năm 2019, Công ty phấn đấu đạt doanh thu trên 52 tỷ đồng.
PV: Được biết đến là một trong những Doanh nghiệp của tỉnh đã làm rất tốt vai trò trách nhiệm với xã hội. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
Ông Phạm Đăng Khuyến: Trong những năm qua, cùng với đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, Công ty TNHH sản xuất và đầu tư Thành Hóa luôn quan tâm tới công tác đào tạo nghề, tạo việc làm và công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Hiện Công ty đang giải quyết việc làm cho 82 lao động địa phương, trong đó 42 lao động thường xuyên và 40 lao động thời vụ với mức lương bình quân đạt 4,5 triệu đồng/tháng. Công ty đóng BHXH cho 42 lao động, các chế độ lương, thưởng hàng tháng đều được chi trả đầy đủ, kịp thời nên người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với Công ty. Bên cạnh lực lượng lao động thường xuyên tại xưởng, Công ty có 75 vệ tinh với gần 4.000 lao động là người dân của các huyện Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn và Nho Quan.
Điều đặc biệt, từ năm 2016 đến nay Công ty thực hiện tốt công tác hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn được học nghề, có việc làm và hòa nhập cộng đồng. Hiện Công ty đang có 21 lao động là người khuyết tật và thời điểm nhiều nhất có trên 40 lao động khuyết tật chủ yếu là khuyết tật về: thiểu năng, câm điếc, vận động... với mức thu nhập đạt trên 2,5 triệu đồng/tháng.
Qua đó giúp người khuyết tật có thu nhập ổn định, giảm gánh nặng với gia đình, đồng thời tạo cơ hội giao lưu, hòa đồng với mọi người xung quanh. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, Công ty đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động, nhất là lực lượng lao động vệ tinh.
Hàng năm, Công ty phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức dạy nghề cho hơn 150 lao động. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, Công ty phối hợp Trường Trung cấp Kế toán mở 4 lớp dạy nghề đan cho 140 lao động địa phương. Sau học nghề, người lao động được bố trí việc làm và thu nhập ổn định nếu có nhu cầu gắn bó với Công ty.
Cùng với đó, Công ty còn chú trọng thực hiện có hiệu quả vào các chương trình an sinh xã hội ở địa phương. Hàng năm, Công ty trích hơn 50 triệu đồng để ủng hộ các quỹ từ thiện, nhân đạo. Là đơn vị kết nghĩa với xã Khánh Vân theo Quyết định 140 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Công ty đã tích cực hỗ trợ địa phương về vật chất và hỗ trợ dạy nghề cho người lao động, góp phần tích cực đưa Khánh Vân về đích xã nông thôn mới theo đúng lộ trình và kế hoạch.
PV: Thưa ông, việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đang đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu? Ông dự định như thế nào để Công ty vượt qua những khó khăn này?
Ông Phạm Đăng Khuyến: Để đẩy mạnh phát triển, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương, những năm qua Công ty luôn được các cấp, ngành tạo điều kiện thuận lợi về hành lang pháp lý, hỗ trợ đào tạo nghề, về xúc tiến thương mại tìm kiếm đối tác...
Tuy nhiên với tình hình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, Công ty đang đối mặt với nhiều khó khăn như: Thiếu lao động tay nghề cao, lao động trẻ do lực lượng này đi làm tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó tình trạng thiếu nguyên liệu, nhất là nguyên liệu bèo bồng vẫn đang diễn ra ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ của các đơn hàng. Việc xuất hàng của Công ty vẫn thực hiện qua đơn vị trung gian và chưa có đơn hàng xuất khẩu trực tiếp, do đó giá trị đơn hàng chưa cao.
Để đẩy mạnh phát triển sản xuất trong tình hình mới, trước tiên doanh nghiệp quan tâm thu hút nhân tài và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Trong đó có chế độ đãi ngộ với lao động có tâm huyết, có trình độ về ngoại ngữ. Chú trọng truyền nghề gắn với đào tạo lao động lành nghề có chuyên môn cao, hiểu biết về khoa học kỹ thuật.
Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục chú trọng công tác cải tiến mẫu mã phù hợp với xu hướng và thị hiếu của khách hàng nước ngoài. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Về quy mô sản xuất, Công ty đang đầu tư nâng cấp kho tàng, văn phòng và đầu tư các máy móc thiết bị hiện đại phục vụ trong quá trình hoàn thiện sản phẩm, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục đề cao vai trò trách nhiệm với xã hội, thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tham gia các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương
PV: Xin cảm ơn ông!
Giáng Hương (thực hiện)