Trong đó: UBND tỉnh cấp giấy phép cho 257 dự án, tổng vốn đăng ký 40.243,4 tỷ đồng, 210 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc đang thực hiện đầu tư; Ban QLCKCN cấp giấy phép cho 70 dự án, tổng vốn đăng ký 41.483,4 tỷ đồng, 36 dự án đã đi vào sản xuất, 27 dự án đang đầu tư; UBND các huyện, thị, thành phố cấp 124 dự án với tổng vốn dăng ký đạt 453,2 tỷ đồng.. Lĩnh vực du lịch, giải trí, văn hóa được đầu tư với 101 dự án với tổng vốn đăng ký 15.868,3 tỷ đồng; trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại là 308 dự án với tổng vốn đăng ký 65.482,1 tỷ đồng; lĩnh vực nông nghiệp là 42 dự án với tổng vốn đăng ký 829,6 tỷ đồng. Có 28 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI); trong đó có: 17 dự án ở các khu công nghiệp, 11 dự án ngoài các khu công nghiệp, với tổng nguồn vốn đăng ký là 14.536 tỷ đồng từ 11 Quốc gia và vùng lãnh thổ là: Trung Quốc, Ý, Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp, Singapo, Anh, Hồng Kông, Brunei, Canada, Nhật Bản...
Nếu như, năm 2005, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 3 dự án FDI, thì đến nay, tỉnh ta đã thu hút được 28 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đạt 954 triệu USD. Điều này cho thấy Ninh Bình là tỉnh hội tụ nhiều tiềm tăng và thế mạnh trong thu hút đầu tư. Bên cạnh tiềm năng sẵn có, tỉnh còn tạo cho các nhà đầu tư một môi trường thuận lợi cả về mặt bằng, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính... Do vậy, hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tạo được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài . Trong 28 dự án FDI, có 17 dự án nằm trong các khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư đạt 535,3 triệu USD và 11 dự án ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư đạt 418,7 triệu USD. Lĩnh vực đầu tư gồm: May mặc, giày dép, sản xuất xi măng, thép, cần gạt nước, thiết bị quang học, khu nghỉ dưỡng... Một số dự án FDI có quy mô và tổng vốn đầu tư đăng ký lớn như: Nhà máy xi măng Hệ Dưỡng 360 triệu USD; Nhà máy Dệt, nhuộm, may công nghiệp Lux Fashion 193 triệu USD; Nhà máy luyện cán thép chất lượng cao 184,4 triệu USD. Có thể thấy, các dự án FDI trên địa bàn tỉnh triển khai tương đối thuận lợi, đạt kết quả đáng ghi nhận, góp phần không nhỏ vào sự phát triển KT- XH của tỉnh, tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Đồng chí Nguyễn Chí Tình, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để đạt được những kết quả trên, trước hết là từ cơ chế, chính sách đúng, trúng, kịp thời của tỉnh, với việc đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, trong đó các giải pháp cơ bản, đột phá "chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp", cơ chế "một cửa" và "một cửa liên thông", cùng cơ chế phối hợp, hợp tác theo tinh thần công khai, minh bạch, bình đẳng. Đó là quá trình định hướng thu hút, tập trung ưu tiên những dự án thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế, không chạy theo các dự án lớn khi điều kiện của địa phương khó đáp ứng hoặc năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư và tính khả thi về nguồn vốn còn chưa đảm bảo. Tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI); Mở rộng lĩnh vực, địa bàn và hình thức thu hút FDI, hướng vào những thị trường giàu tiềm năng và các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, hiệu quả nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trên cơ sở các mục tiêu phát triển mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra; Trước bối cảnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong đó có biện pháp cắt giảm đầu tư công, do vậy thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước và nước ngoài đóng vai trò hết sức quan trọng bổ sung nguồn lực đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế. Tỉnh xác định kêu gọi thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách một cách chọn lọc, đảm bảo các tiêu chí như: Đóng góp cho tỉnh về thu ngân sách, giải quyết an sinh xã hội, tạo ra nhiều giá trị gia tăng để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, công nghệ tiên tiến, đảm bảo vệ sinh môi trường... Để huy động tốt nguồn vốn, tỉnh chủ trương phải tạo điều kiện thuận lợi đối với các yếu tố đầu vào cho doanh nghiệp bao gồm: Mặt bằng sản xuất, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, quan tâm đến nhà đầu tư từ khi họ đến cũng như khi dự án đi vào hoạt động, xử lý dứt điểm với thời gian nhanh nhất các vướng mắc trong quá trình cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và các vấn đề vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trong các lĩnh vực đầu tư và đăng ký kinh doanh. Nâng cao năng lực và chất lượng công tác thẩm định đầu tư và thực hiện hậu kiểm sau đầu tư. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư lựa chọn đầu tư theo các hình thức BOT, BTO, BT, PPP…; Đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; Đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa - xã hội theo hướng xã hội hóa.
Tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, tổ chức các cuộc gặp mặt, tiếp xúc các doanh nghiệp lớn ngoài tỉnh nhằm thu hút các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư vào địa bàn. Tìm hiểu, tiếp cận các nhà đầu tư lớn, tranh thủ sự giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương nhằm kết hợp hoặc tổ chức các hội nghị xúc tiến trong nước và nước ngoài. Với nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA): Xây dựng danh mục dự án thu hút và sử dụng ODA phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội để làm căn cứ vận động ODA.
Đinh Chúc