Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về VSATTP nông, lâm, thủy sản, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thương hiệu hàng hóa còn nhiều bất cập.
Theo thống kê sơ bộ, mỗi năm toàn tỉnh gieo trồng khoảng 80 nghìn ha lúa, hơn 3 nghìn ha rau đậu các loại và hàng vạn ha cây trồng khác; trong chăn nuôi, tổng đàn lợn khoảng 400 nghìn con, 4 triệu con gia cầm và 36 nghìn con bò, 15 nghìn con trâu, 20 nghìn con dê, tổng sản lượng thịt các loại đạt trên 50 nghìn tấn; diện tích nuôi trồng thủy sản là 11 nghìn ha, sản lượng hàng năm khoảng 26 nghìn tấn… Cùng với đó là hàng chục cơ sở thu mua, chế biến nông sản, 1.333 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, 119 chợ nông sản và hàng trăm cơ sở kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp…
Thực tế cho thấy, việc sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc kích thích sinh trưởng thời gian qua khá tùy tiện, không theo quy trình kỹ thuật. Trong chăn nuôi, nhiều hộ chưa tuân thủ đầy đủ quy trình phòng bệnh cũng như xử lý chất thải của vật nuôi. Việc giết mổ gia súc, gia cầm phân tán, nhỏ lẻ, địa điểm giết mổ chật hẹp, nằm gần các công trình phụ, trang thiết bị công cụ hoàn toàn thủ công, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và có khả năng ô nhiễm thực phẩm ngay tại nơi giết mổ. Tại các vùng nuôi trồng thủy sản, không ít người sản xuất, kinh doanh đã bơm tạp chất làm tăng trọng lượng vào tôm, cá.
Trong khi đó, hệ thống tổ chức quản lý chất lượng nông sản, thực phẩm của tỉnh ta chưa được kiện toàn. Ông Đỗ Văn Miền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Trước đây, Sở Nông nghiệp & PTNT quản lý chất lượng nông sản, thực phẩm thông qua Chi cục BVTV, Chi cục Thủy sản và Chi cục Thú y. Hàng năm, các đơn vị này thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chất lượng nông sản, thực phẩm từ khâu vật tư đầu vào (giống, thuốc BVTV, phân bón, thuốc thú y…) đến các sản phẩm đầu ra (thịt gà, thịt lợn, tôm, cá…). Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi an toàn, sản xuất rau sạch, sử dụng thuốc đúng cách, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi xây dựng và sản xuất theo các quy chuẩn và quy trình kỹ thuật, tiến hành công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa… Song do thiếu hụt về nhân lực, đồng thời chưa có một đầu mối chuyên trách đã ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, cùng với đó là nhận thức của một bộ phận nông dân còn thấp, chưa hình thành được các vùng sản xuất theo hướng an toàn.
Trong quá trình CNH- HĐH, đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc khép kín quy trình quản lý chất lượng từ nơi sản xuất đến bàn ăn nhằm đảm bảo sức khỏe của cộng đồng dân cư là vấn đề hết sức quan trọng. Do vậy, ngày 26-7-2011, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 487/QĐ-UBND thành lập Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản nhằm phân cấp, nâng cao vai trò quản lý cấp địa phương, đồng thời thực hiện quản lý chất lượng theo nguyên tắc từ cơ sở sản xuất đến bàn ăn, phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ công đoạn có nguy cơ trong toàn bộ dây chuyền sản xuất và cung ứng thực phẩm. Một mặt bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mặt khác tạo ra khả năng cạnh tranh của nông sản Ninh Bình trên thị trường trong xu thế hội nhập, hướng tới một nền sản xuất nông, lâm, thủy sản sạch từ khi nuôi trồng đến cung ứng cho thị trường.
Ông Lê Hồng Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho biết: Trước mắt Chi cục sẽ tập trung rà soát, thống kê đánh giá và phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản, muối trên địa bàn. Sau đó sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ theo mức phân loại (A, B, C) và mức độ vi phạm (nhẹ, nặng, nghiêm trọng). Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền cho người sản xuất, người tiêu dùng và các đối tượng quản lý về Luật ATVSTP, những quy định chuẩn về ATTP riêng biệt như 34 tiêu chuẩn về thú y, 5 tiêu chuẩn thức ăn chăn nuôi, 7 tiêu chuẩn về thủy sản, cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm có quy chuẩn Quốc gia về yêu cầu vệ sinh chung. Đề xuất xây dựng các mô hình trình diễn rau an toàn, gà an toàn sinh học… theo hướng VietGap, VietGAHP…
Nguyễn Lựu