Cơ sở giáo dục mầm non tư thục Đồ Rê Mí ở xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư) đi vào hoạt động từ năm 2014 với đầy đủ phòng học, phòng chức năng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến nay, cơ sở có 7 giáo viên đứng lớp đều có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Cơ sở tổ chức ăn bán trú cho 100% học sinh đảm bảo về chất lượng…. Cô giáo Lê Thu Hà, Trưởng cơ sở giáo dục mầm non tư thục Đồ Rê Mí cho biết: Hiện nay, nhu cầu gửi con của các bậc phụ huynh trên địa bàn xã Ninh Vân rất lớn, vì ngoài các cháu có hộ khẩu tại xã thì Ninh Vân còn thu hút lượng lao động ở các địa phương khác vào làm việc tại làng nghề chế tác đá mỹ nghệ. Đa số, những lao động này có gia đình và con nhỏ trong độ tuổi mầm non. Tuy nhiên, không phải vì có nhu cầu cao mà các bậc phụ huynh sẵn sàng gửi con em mình đến một cơ sở giáo dục ngoài công lập. Để thực sự trở thành địa chỉ tin cậy cho các bậc phụ huynh, các cơ sở mầm non tư thục nói chung đều phải có cách làm riêng nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.
Tuy nhiên, cũng theo cô giáo Lê Thu Hà, dù có nhiều nỗ lực song cơ sở vẫn còn những hạn chế trong quá trình thực hiện việc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Những thiếu sót ấy đơn giản như việc chưa biết cách lưu trữ văn bản, hồ sơ một cách khoa học, hay việc lưu mẫu thực phẩm hàng ngày chưa đạt yêu cầu… Nên khi được Đoàn kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ rõ những thiếu sót, đồng thời hướng dẫn cơ sở cách khắc phục một cách tỉ mỉ, đầy trách nhiệm thì đã bắt tay ngay vào việc khắc phục. Đến nay, đã tạo điều kiện cho nhân viên nuôi dưỡng đi học để hoàn thiện chứng chỉ nấu ăn và cho nhân viên bảo vệ đi học qua lớp bồi dưỡng an ninh bảo vệ. Đồng chí Trịnh Thị Bản, Trưởng phòng giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, theo dự báo dân số, từ nay đến năm 2030 sẽ gia tăng số trẻ trong độ tuổi mẫu giáo do xu hướng tăng tỷ lệ sinh con thứ 3. Trong khi đó, các trường mầm non công lập chưa được đầu tư đáp ứng kịp theo sự phát triển của dân số. Nhiều trường luôn trong tình trạng quá tải, phải sử dụng cả phòng chức năng để làm lớp học. Tính riêng trong năm học 2017-2018, giáo dục mầm non ở Ninh Bình tăng khoảng 5 nghìn trẻ so với các năm học trước. Nhiều trường mầm non công lập từ thành thị đến nông thôn ở tất cả các nhóm lớp, độ tuổi đều có số lượng trẻ quá quy định. Vì vậy, việc ra đời của các cơ sở giáo dục mầm non tư thục được coi là giải phải hữu hiệu nhằm giảm tải cho các đơn vị ngoài công lập. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 153 trường mầm non, trong đó có 148 trường công lập, 5 trường tư thục và 92 cơ sở (nhóm lớp độc lập tư thục), trong đó chủ yếu tập trung ở thành phố Ninh Bình.
Để các trường, nhóm lớp mầm non tư thục thực sự là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ đạt chất lược cao, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Từ đầu năm tới nay, ngành Giáo dục đã tiến hành kiểm tra được 30 cơ sở. Kết quả kiểm tra cho thấy, đa số các cơ sở mầm non tư thục đã đầu tư, hoàn chỉnh về cơ sở vật chất, đủ các trang thiết bị phục vụ việc học, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. Trẻ được tổ chức ăn bán trú và được khám sức khỏe, được theo dõi sự phát triển bằng biểu đồ tăng trưởng, được thực hiện chương trình giáo dục mầm non… Chủ nhóm trẻ, giáo viên có lý lịch rõ ràng, có trình độ đào tạo từ chuẩn trở lên. Thông qua các đợt kiểm tra để ngành Giáo dục có những đánh giá thực tế nhất về thực trạng các trường mầm non, nhóm lớp tư thục hiện nay trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ngành chuyên môn cũng có tư vấn, chỉnh sửa những thiếu sót, hạn chế của từng cơ sở để từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời.
Bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho UBND các huyện, thành phố ban hành các văn bản tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo đối với các cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố chủ động phối hợp với UBND xã/thị trấn tiến hành rà soát, kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn về điều kiện thành lập trường; quyết định thành lập, giấy phép hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định của ngành… Sở Giáo dục và Đào tạo cũng giao trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn hỗ trợ về công tác quản lý chuyên môn đối với các nhóm lớp mầm non tư thục.… Đặc biệt, hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tăng cường công tác tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xử lý các tình huống cho giáo viên các nhóm lớp tư thục.
Bài, ảnh: Đào Hằng