Để tăng cường nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn huy động nguồn vốn nhàn rỗi trên địa bàn. Tranh thủ tối đa các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, từ các dự án và huy động nguồn vốn ngoài tỉnh, nguồn vốn điều hòa từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng cấp trên nhằm tăng cường nguồn vốn cho vay phát triển kinh tế địa phương; tiếp tục thực hiện chính sách cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn theo quy định. Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan và các tổ chức chính trị, xã hội tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời hỗ trợ khách hàng trên địa bàn nông thôn có đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng và xử lý những tồn tại, khó khăn phát sinh trong quá trình sử dụng vốn vay. Trên cơ sở đó đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng hợp lý, có hiệu quả cho nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tập trung cho vay phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư, nghiệp; cho vay sản xuất làng nghề truyền thống, sản xuất hàng xuất khẩu, cho vay giải quyết việc làm, cho vay chế biến sản phẩm nông nghiệp, sản xuất ngành nghề, dịch vụ phục vụ thiết yếu trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, 6 tháng đầu năm, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đạt 10.400 tỷ đồng, chiếm 31% tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, giảm 1,7% so với đầu năm và tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó dư nợ cho vay đối với các xã thí điểm xây dựng nông thôn mới là 2.900 tỷ đồng, chiếm 29,7% dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ nguồn vốn trên đã có 12.320 lượt khách hàng là các cá nhân, tổ hợp tác, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn được vay vốn của các ngân hàng và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân. Qua đó đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi, tạo điều kiện cải tiến áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống, giúp nông dân làm giàu chính đáng. Mặc dù vậy, nguồn vốn để cho vay nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới còn có nhiều hạn chế. Môi trường mở rộng đầu tư tín dụng đối với nền kinh tế cũng như lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân chủ yếu do kinh tế Ninh Bình đang trong giai đoạn phát triển nên tích lũy chậm chưa nhiều, dẫn đến nguồn vốn huy động tại chỗ gặp nhiều khó khăn. Khả năng hấp thụ nguồn vốn của nền kinh tế suy giảm. Các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, khả thi trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn không nhiều.
Chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đòi hỏi cần có nguồn vốn lớn và được ưu tiên. Hiện nay, các tổ chức tín dụng đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vì theo quy định hiện hành việc cho vay đối với các lĩnh vực trên thực hiện theo cơ chế vay thông thường, không có nguồn vốn ưu tiên. Trong khi đó, tại địa phương, nguồn vốn huy động của các Ngân hàng Ninh Bình nhìn chung mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% dư nợ cho vay. Nguồn vốn cho vay phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn huy động ngoài tỉnh và sự hỗ trợ của Ngân hàng cấp trên.
Bên cạnh đó, một số khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng vì không đáp ứng được điều kiện vay vốn theo quy định của các ngân hàng, tổ chức tín dụng như: thiếu năng lực tài chính, thiếu tài sản thế chấp theo quy định, chưa có dự án sản xuất, kinh doanh khả thi, có hiệu quả; trình độ, năng lực quản lý, kinh doanh, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Hơn nữa, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tiêu thụ tự phát, chưa có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, nên việc lập kế hoạch tiêu thụ sản phẩm và xem xét tính khả thi, hiệu quả của dự án, phương án sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn khó khăn.
Mục tiêu của tỉnh Ninh Bình là đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 20% số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới. Do đó trong thời gian tới đòi hỏi các Ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn phải tăng cường nguồn vốn cho nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu này, các Ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; Chỉ thị 01, 03 của Ngân hàng Nhà nước về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2013 và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
Đối với các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn, cần thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp huy động vốn. Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn phù hợp với các đối tượng khách hàng, sử dụng linh hoạt công cụ lãi suất để khuyến khích người gửi tiền, tiếp tục mở rộng mạng lưới huy động, cung ứng các dịch vụ ngân hàng tiên tiến nhằm tăng cường công tác huy động nguồn vốn trên địa bàn. Tích cực huy động nguồn vốn ngoài địa bàn, tranh thủ cao nhất nguồn vốn điều hòa, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng ưu đãi của các ngân hàng, tổ chức tín dụng cấp trên. Chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn để đảm bảo thanh khoản, đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng và các nhu cầu thanh toán.
Thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đáp ứng nhu cầu vốn hợp lý cho phát triển kinh tế; ưu tiên tập trung vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án có hiệu quả. Tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh cần giám sát và thường xuyên theo dõi việc thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất tại các chi nhánh ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn. Nhất là các quy định về lãi suất cho vay đối với các đối tượng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Tiết kiệm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn đối với khách hàng vay.
Tuy nhiên, để thực hiện được những mục tiêu trên, theo ông Phạm Ngọc ánh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh thì Chính phủ phải có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn với lãi suất ưu đãi chuyển qua ngân hàng để ưu tiên cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Chính phủ cũng phải có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm ở lĩnh vực nông nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Cùng với các chính sách trên thì các cơ quan chức năng có liên quan như: Hiệp hội doanh nghiệp, Liên minh Hợp tác xã tăng cường các chương trình đào tạo, trang thiết bị kiến thức khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng lực quản trị, kinh doanh và khả năng xây dựng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả cho các hợp tác xã, trang trại, các hộ nông dân. Đồng thời quan tâm hơn nữa đến công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.
Nguyễn Thơm