Hiện nay, tỉnh ta có hơn 340 HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012, trong đó có 230 HTX lĩnh vực nông nghiệp. Có thể khẳng định, phần lớn các HTX nông nghiệp trong tỉnh sau khi chuyển đổi theo Luật đã cơ bản hoạt động ổn định, thực hiện tốt chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh đã được củng cố về tổ chức, quản lý, từng bước tích lũy đầu tư phát triển, đáp ứng ngày càng nhiều hơn nhu cầu, lợi ích của các thành viên. Cùng với việc thực hiện tốt các dịch vụ nông nghiệp như: tưới tiêu, bảo vệ thực vật, thú y, cung ứng giống, cung ứng vật tư..., nhiều HTX đã nhạy bén nắm bắt thị trường, chủ động liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, tạo ra lượng hàng hóa lớn có chất lượng đảm bảo, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho thành viên HTX.
Điển hình, HTX nông nghiệp Phong Hòa (xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư) là một trong những HTX đang đẩy mạnh thực hiện liên kết trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa. Ông Phạm Tăng, Giám đốc HTX Phong Hòa cho biết: ở vụ đông xuân 2017, HTX thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ớt xuất khẩu với Công ty ớt Việt Nam trên diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả. Trong quá trình triển khai thực hiện, bà con đã nhận được sự hỗ trợ tích cực về mặt kỹ thuật từ phía công ty liên kết. Ngay trong lứa đầu tiên, cây ớt đã cho hiệu quả kinh tế cao trên đồng đất của Ninh Mỹ, năng suất ước đạt 13 tấn/ha/vụ và doanh thu đạt 65 triệu đồng/ha.
Có thể khẳng định, cây ớt là loại cây trồng mới đã khẳng định được tính hiệu quả và hướng đi đúng trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đặc biệt, khi có sự tham gia liên kết của doanh nghiệp, người nông dân có thu nhập ổn định, yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất. Do vậy, trong vụ này HTX tiếp tục liên kết sản xuất, ký kết bao tiêu đầu vào và đầu ra với Công ty ớt Việt Nam và Công ty cổ phần giống cây trồng, nông sản xuất khẩu Kiên Giang (Hải Dương) để mở rộng diện tích trồng ớt xuất khẩu lên 6 ha. Bên cạnh liên kết sản xuất ớt xuất khẩu, HTX còn ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa giống với Công ty TNHH giống cây trồng Hà Phát (Hà Nội) trên diện tích 15 ha. Công ty cung cấp toàn bộ giống và kỹ thuật và ký kết thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn lúa thương phẩm 25%. Kết quả mô hình liên kết sản xuất lúa giống đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng và lãi ròng trên 500 triệu đồng.
Tại huyện Yên Mô, tiên phong trong thực hiện mô hình liên kết sản xuất là HTX nông nghiệp Liên Dương (xã Khánh Dương) với nhiều mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Ông Bùi Đức Lương, Giám đốc HTX Liên Dương cho biết: Một trong những mô hình cho hiệu quả được HTX thực hiện là mô hình liên kết sản xuất ớt xuất khẩu với Công ty ớt Việt Nam. Ước tính trong 2 năm từ 2016-2017, HTX đã liên kết sản xuất 37,8 ha ớt, năng suất đạt trên 800 tấn/ha và doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với các cây trồng trước đây người dân đưa vào thâm canh. Khi tham gia vào mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thành viên HTX được tạm ứng giống, vật tư, phân bón, được chuyển giao kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và được Công ty cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cả hợp lý. Chính vì vậy, trong 2 năm vừa qua, người dân đã tích cực mở rộng diện tích gieo trồng cây ớt xuất khẩu. Cùng với mở rộng liên kết sản xuất ớt, HTX đã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm khoai tây với Công ty TNHH phát triển công nghệ và vật tư nông nghiệp Hương Quê trên diện tích 11,3 ha và ngô ngọt với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Việc thực hiện liên kết sản xuất với các doanh nghiệp giúp người nông dân tiếp cận được kỹ thuật sản xuất mới, thay thế dần tập quán canh tác cũ kém hiệu quả, đồng thời giải quyết được vấn đề "được mùa mất giá", nâng cao hiệu quả và giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác.
Có thể nói, sản xuất theo chuỗi giá trị dưới hình thức liên kết của các HTX lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã khẳng định là hướng đi phù hợp để đổi mới và phát triển HTX. Khi thực hiện liên kết, HTX sẽ đại diện cho các thành viên ký hợp đồng sản xuất bao tiêu với doanh nghiệp, tổ chức kiểm soát quy trình kỹ thuật theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nông sản. Với cách làm này, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên HTX nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp được HTX và doanh nghiệp liên kết rất đa dạng như giống lúa, ngô ngọt, dưa bao tử, cây dược liệu, ớt, khoai tây...
Bên cạnh những HTX nông nghiệp đã nhạy bén nắm bắt thị trường, chủ động thực hiện liên kết sản xuất, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều HTX chưa tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho thành viên. Một số HTX có mô hình liên kết nhưng do nhiều nguyên nhân nên hiệu quả chưa cao, chất lượng sản phẩm còn thấp, thiếu khả năng cạnh tranh, chưa tạo động lực cho thành viên mở rộng quy mô sản xuất. Trong thời gian tới, để tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đối với các HTX nông nghiệp cần có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc nâng cao năng lực quản trị, phản ứng thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu. Đồng thời phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa các HTX nông nghiệp và doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn tạo mối liên kết bền vững. Các HTX nông nghiệp phải chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp phù hợp để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; quan tâm đến chất lượng sản phẩm, tạo uy tín trên thị trường, từ đó tạo ra những mối liên kết chặt chẽ, lâu dài, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Hồng Giang