Là một trong những hợp tác xã (HTX) kiểu mới của xã Khánh Thành (Yên Khánh), HTX Đại Thành đã trở thành điểm sáng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng và đạt hiệu quả trong hợp tác liên kết "4 nhà": Nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp trong phát triển sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ông Trần Văn Thúy, Chủ tịch HĐQT HTX Đại Thành cho biết: Đến nay, HTX được giao quản lý trên 220 ha đất sản xuất nông nghiệp và đã thu hút gần 1.000 hộ xã viên tham gia sản xuất. Trong quá trình hoạt động, HTX đề cao công tác quản lý sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo đó, HTX đã phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn giám sát, hướng dẫn, chỉ đạo xã viên sản xuất trên đồng ruộng về quy trình sản xuất sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP dựa trên 4 tiêu chí: Tiêu chí về kỹ thuật sản xuất đúng tiêu chuẩn, về an toàn thực phẩm gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch, về môi trường làm việc phù hợp với sức lao động của người nông dân, về nguồn gốc sản phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Vì vậy, chất lượng các sản phẩm lúa, rau, củ, quả… của HTX đã tạo được lòng tin cho các doanh nghiệp, thương lái và người tiêu dùng, từ đó nhận thức của người nông dân được nâng lên; uy tín, chất lượng, thương hiệu HTX Đại Thành được khách hàng tin cậy sử dụng.
Cùng với đó, để tăng cường các mối liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản của HTX, đặc biệt để đảm bảo sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được ổn định và lâu dài, hàng năm HTX chủ động liên kết với một số công ty, hệ thống đại lý bán hàng, siêu thị,... ký các hợp đồng cung cấp sản phẩm nông sản, nhất là rau, củ, quả sạch, an toàn.
HTX cũng phối hợp với các đối tác ký kết tổ chức các buổi tham quan cho khách hàng để thông qua đó hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất các sản phẩm nông sản, nhất là rau, củ, quả an toàn cung cấp ra thị trường. Trong quá trình liên kết, HTX chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, diện tích gieo trồng, các loại cây trồng đảm bảo đa dạng hóa các sản phẩm cũng như sản lượng, chất lượng cung cấp đầu ra...
Việc liên kết tiêu thụ sản phẩm đã cho thấy những kết quả rõ nét: Về phía HTX, xã viên yên tâm sản xuất, không lo về đầu ra cho sản phẩm, có thu nhập ổn định và hạn chế được rủi ro khi mất mùa, mất giá; về phía doanh nghiệp chủ động nguồn hàng cung cấp, hạn chế rủi ro khi thị trường biến động về giá cả, kiểm soát được chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng.
Những năm qua, HTX Đại Thành đã mạnh dạn chuyển đổi 50ha đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng các loại cây rau củ phục vụ xuất khẩu như dưa chuột bao tử, mướp đắng, cà chua nhót theo hướng nông sản an toàn, cho giá trị thu nhập đạt từ 390-400 triệu đồng/ha/năm, cao hơn từ 3 đến 4 lần so với cấy lúa; cải tạo 16 ha vườn tạp để trồng các loại cây dược liệu làm thuốc như cây bạc chỉ, cây bạch truật, ngưu đất,… cho thu nhập 330 - 350 triệu đồng/ha/năm.
Những tháng đầu năm 2017, HTX tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện thử nghiệm dự án trồng rau củ sạch trong nhà lưới với diện tích 720m2, cho thu nhập cao gấp 4, 5 lần so với cấy lúa; thành lập 2 tổ trồng cây nông sản xuất khẩu với diện tích 10ha, trong đó trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao tạo thành vùng sản xuất rau an toàn, có thương hiệu trên thị trường.
Để xã viên yên tâm sản xuất, trong dịch vụ bao tiêu sản phẩm, không chỉ liên kết với cán bộ kỹ thuật huyện, HTX Đại Thành đã ký hợp đồng liên kết với các công ty để bao tiêu sản phẩm như Công ty cổ phần Thực phẩm á Châu Ninh Bình, Công ty Giống cây trồng I Hà Nội cung cấp lương thực, thực phẩm sạch cho thị trường Hà Nội và các thị trường khác.
Với chất lượng đảm bảo, hiện nay diện tích lúa trồng theo tiêu chuẩn VietGAP được Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn thị trường 2% nên nông dân rất yên tâm, phấn khởi sản xuất. Nhờ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nông sản sạch, đến nay doanh thu trung bình hàng năm của HTX đạt từ 4-5 tỷ đồng/năm.
Đối với Hợp tác xã Liên Dương, xã Khánh Dương (Yên Mô), việc ký kết được hợp đồng bao tiêu sản phẩm ớt cay xuất khẩu với Công ty TNHH ớt Việt Nam đã mở ra hướng sản xuất mới, hiệu quả cho các xã viên HTX. Năm 2016, HTX đưa vào trồng hơn 11 ha giống ớt cay xuất khẩu số 7, thay thế cho các cây trồng cũ kém hiệu quả.
Với giá bán từ 6-8 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, mỗi sào ớt người trồng có thu nhập gần 3 triệu đồng, gấp nhiều lần so với trồng lúa. Hiện nay, mô hình trồng ớt cay xuất khẩu đang tiếp tục được triển khai, nhân rộng, tiến tới hình thành vùng sản xuất cây trồng hàng hóa quy mô lớn trên địa bàn xã.
Ông Bùi Văn Lương, Giám đốc HTX Liên Dương cho biết, thành công bước đầu của HTX sau chuyển đổi được thể hiện rõ trên nhiều mặt, cả về điều hành sản xuất, kinh doanh dịch vụ cũng như phương pháp quản lý, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận của HTX đều tăng so với những năm trước.
Ông Vũ Xuân Hùng, Trưởng phòng Tuyên truyền - Liên minh HTX tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 328 hợp tác xã, thu hút trên 268 nghìn thành viên tham gia; trong đó có 230 HTX lĩnh vực nông nghiệp, 30 HTX chuyên ngành, 29 HTX phi nông nghiệp và 39 quỹ tín dụng nhân dân. Đến nay, tất cả các HTX đã chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Các HTX đều đã củng cố tổ chức, bộ máy, chủ động thay đổi các mô hình sản xuất truyền thống, đưa các cây, con mới có giá trị kinh tế cao, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập và liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm.
Nhằm tạo điều kiện cho các HTX hoạt động hiệu quả, từ đầu năm 2016 đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã cấp kinh phí cho 68 HTX nông nghiệp với tổng số vốn gần 1 tỷ đồng để hỗ trợ tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012. Tỉnh Ninh Bình phấn đấu đến hết năm 2017 có ít nhất 80% HTX nông nghiệp, thủy sản hoạt động có hiệu quả đạt chuẩn nông thôn mới; thành lập mới ít nhất 15 HTX, 10 tổ hợp tác; tổ chức bồi dưỡng cho ít nhất 500 lượt cán bộ quản lý, phụ trách chuyên môn, nghiệp vụ của HTX; phấn đấu ít nhất 90% số HTX hoạt động ổn định và có lãi; số HTX khá, tốt đạt 70% trở lên; xây dựng ít nhất 10 mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh...
Nhằm đạt được những mục tiêu trên, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của HTX kiểu mới trong cơ chế thị trường, tạo tiền đề cho các loại hình HTX ra đời và phát triển.
Cùng với đó hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các HTX thông qua Quỹ quay vòng phát triển từ 80 đến 100 HTX, tổ hợp tác; đào tạo nguồn nhân lực của các HTX và tập trung ưu tiên phát triển, xây dựng một số mô hình HTX chuyên ngành, HTX sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Quy hoạch vùng chuyên canh đủ lớn về diện tích, phù hợp với điều kiện và tập quán canh tác của nông dân; tiếp tục vận động nông dân dồn điền, đổi thửa, tập trung ruộng đất thực hiện cơ giới hóa nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích. Đồng thời tạo điều kiện giúp các hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Bài, ảnh: Hạnh Chi