Trước tình hình đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các khoản thu-chi ngoài ngân sách tại các cơ sở giáo dục nhằm chấn chỉnh tình trạng này, đảm bảo công bằng về các khoản đóng góp cho phụ huynh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Hiện năm học mới 2016-2017 đã chính thức được gần 2 tháng nhưng nhiều trường học trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tổ chức các cuộc họp với cha mẹ học sinh để thông báo và thống nhất các khoản thu theo quy định của Nhà nước cũng như việc thống nhất các khoản thu tự nguyện hoặc huy động xã hội hóa để phục vụ việc học tập tại lớp, tại trường cho học sinh.
Theo nhiều lãnh đạo nhà trường, nguyên nhân là do các cơ sở giáo dục đang cân đối, tính toán các khoản thu nhằm đảm bảo theo đúng quy định mà vẫn có nguồn huy động xã hội hóa tự nguyện nhất định để phục vụ cho việc dạy và học một cách tốt nhất. Còn đối với nhiều nhà trường, trong đó chủ yếu là cấp học mầm non, việc triển khai nhiều khoản thu đầu năm học trên danh nghĩa tự nguyện đã không nhận được sự hưởng ứng của nhiều phụ huynh học sinh.
Chị Nguyễn Thu Hà, một phụ huynh có con học một trường mầm non trên địa bàn thành phố Ninh Bình chia sẻ: "Chúng tôi không tiếc tiền và luôn ủng hộ những khoản đóng góp hợp lý cho nhà trường để chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy dỗ con mình một cách tốt nhất.
Thực tế năm học 2016-2017 cho thấy, một số khoản thu như tiền chăm sóc bán trú, đồ dùng học tập, quỹ lớp, quỹ trường… đã giảm so với năm học trước; tuy nhiên, nhiều khoản thu vẫn còn mập mờ, không rõ ràng như tiền lắp điều hòa (điều hòa lớp lớn đã để lại, tại sao các cháu vào sau vẫn phải nộp tiền để mua mới), tiền khánh tiết phục vụ cho các ngày lễ, kỷ niệm của nhà trường, tiền đồng phục, đồ dùng học tập không thống nhất giữa các trường học cùng cấp, trên cùng địa bàn…"
Tìm hiểu được biết, sở dĩ tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục đã và vẫn xảy ra theo từng năm học là do các bậc phụ huynh "ngại va chạm". Trong một cuộc họp phụ huynh đầu năm, một vài người có ý kiến về các khoản thu không rõ ràng nhưng khi lấy sự đồng thuận thì số đông vẫn là đồng ý.
Nhiều người đồng cảm, cùng chia sẻ với các ý kiến nêu ra nhưng đa số vẫn lẳng lặng nộp tiền cho xong, để con cháu có một năm yên ổn học tập. Còn về phía nhà trường, hiện chưa có chế tài nào để xử lý tình trạng này.
Nếu trường nào thu quá, bị phát hiện, xử lý thì biện pháp khắc phục cũng chỉ là "trả lại phụ huynh số tiền đã thu sai", chứ không có cán bộ, lãnh đạo trường học nào bị phê bình, kỷ luật hoặc giáng chức.
Thêm vào đó, các nhà trường cũng có nhiều cách giải trình, biện minh rất hợp lý về các khoản thu thêm, tất cả đều với mục tiêu chăm sóc, giáo dục một cách tốt nhất và hiệu quả nhất cho các em học sinh!
Đồng chí Đỗ Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết: Để thực hiện nghiêm các khoản thu, chi trong nhà trường, tránh tình trạng lạm thu gây bức xúc trong phụ huynh, học sinh và dư luận xã hội, trong thời gian từ giữa đến hết tháng 9/2016, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Đoàn kiểm tra tại 11 cơ sở giáo dục, gồm một số trường THPT, các cơ sở giáo dục trực thuộc phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Qua kiểm tra cho thấy, các trường đã triển khai các văn bản của Nhà nước quy định việc thực hiện các khoản thu ngoài ngân sách tới cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Cụ thể là: Đa số các trường đã phối hợp cha mẹ học sinh làm tốt công tác tuyên truyền về việc thực hiện các khoản thu, chủ trương hỗ trợ, bổ sung sửa chữa cơ sở vật chất nhà trường. Thực hiện thu, chi tiền dạy thêm, học thêm theo quy định tại Quyết định số 08, ngày 28/3/2014 của UBND tỉnh.
Đồng thời, các khoản thu thỏa thuận, ủng hộ, tài trợ (tiền nước uống, đồng phục học sinh, vệ sinh môi trường, phục vụ bán trú, hỗ trợ nhà trường tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học,…) các trường đều có kế hoạch và dự toán thu, chi. Các khoản thu theo thỏa thuận phục vụ trực tiếp học sinh đã có sự bàn bạc thống nhất mức thu, chi giữa nhà trường với cha mẹ học sinh các lớp.
Cùng với đó, các khoản thu của các tổ chức, đoàn thể, hội (như Quỹ Đoàn, đội, Khuyến học,…) do các tổ chức đoàn thể trong nhà trường thu, chi theo quy định và văn bản hướng dẫn của cấp trên đều có sự giám sát của nhà trường.
Tuy nhiên, một số trường thực hiện chưa đúng các quy định, quy trình về thực hiện các khoản thu, chi trong nhà trường theo các quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cụ thể như về thực hiện các khoản thu: Một số trường thực hiện huy động kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh chưa đúng theo quy định tại Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho cha (mẹ) học sinh; có trường huy động tiền ủng hộ để tăng cường cơ sở vật chất chưa đúng theo Công văn số 6890, ngày 18/10/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục và đào tạo, huy động theo mức bình quân và theo số cha (mẹ) học sinh; có trường huy động Quỹ Khuyến học theo mức bình quân và theo số cha (mẹ) học sinh; có trường còn gộp chung Quỹ Khuyến học với kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh…
Đồng thời qua kiểm tra cũng cho thấy, trong thực hiện việc chi các khoản thu, một số nội dung chi của kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh của một số trường chưa đúng quy định; có trường chi các khoản thỏa thuận chưa thật hợp lý; có trường lưu trữ hồ sơ theo dõi, quản lý các khoản thu, chi ngoài ngân sách chưa đầy đủ, sắp xếp chưa khoa học…
Qua thực tế kiểm tra, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thủ trưởng các cơ sở giáo dục đã kiểm tra có tồn tại, vi phạm nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời tiến hành khắc phục và xem xét xử lý những cá nhân, tập thể có vi phạm theo quy định của Nhà nước.
Đồng thời, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh cần nghiên cứu kỹ các văn bản quy định hiện hành của ngành, Nhà nước về thực hiện các khoản thu, chi các nguồn kinh phí vận động, ủng hộ, xã hội hóa giáo dục đúng mục đích, thiết thực, hiệu quả. Quá trình quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện phải đảm bảo yêu cầu dân chủ, công khai, minh bạch.
Cùng với đó, làm tốt công tác tham mưu với UBND các cấp trong việc quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường và đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để tăng cường các nguồn lực cho giáo dục địa phương, giúp các nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục đạt hiệu quả, đồng thời hạn chế các khoản thu (ngoài quy định) đối với học sinh và cha mẹ học sinh để không tạo áp lực về kinh tế đối với gia đình học sinh và sự bức xúc, không đồng tình của xã hội.
Mỹ Hạnh