Để công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp đạt kết quả cao, Sở đã giao cho Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản trực thuộc Sở triển khai các hoạt động quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP đối với nông lâm sản và thủy sản, phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã bố trí, phân công cán bộ trực tiếp phụ trách và triển khai các hoạt động quản lý theo sự phân công, phân cấp. Bên cạnh việc thực hiện nghiêm công tác quản lý Nhà nước, ngành Nông nghiệp còn quan tâm triển khai sâu rộng các quy định của pháp luật về đảm bảo vệ sinh ATTP. Năm qua, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức được 49 lớp tập huấn tuyên truyền về các văn bản pháp luật và kiến thức về an toàn thực phẩm cho hơn 2.500 lượt người là cán bộ, công chức, viên chức trong và ngoài ngành Nông nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh, các hợp tác xã, trang trại trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Các lớp tập huấn đã chú trọng nội dung phù hợp với từng đối tượng, nhu cầu nắm bắt thông tin của người sản xuất, kinh doanh như: tập huấn quy trình sản xuất nông nghiệp tốt đối với rau an toàn, tập huấn quy trình sản xuất chăn nuôi tốt đối với đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi, tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản ở vùng nội đồng, vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn... Các lớp tập huấn đã giúp cho các hộ sản xuất, kinh doanh, cán bộ, công chức làm công tác quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp có thêm kiến thức về vấn đề an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến nông sản và tiêu dùng thực phẩm, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất và tiêu dùng thực phẩm trong việc chấp hành các quy định về ATTP.
Công tác thanh, kiểm tra được ngành chỉ đạo thực hiện thường xuyên, trong đó tăng cường vào các đợt trọng điểm như: Tết Nguyên đán, tháng hành động "Vì chất lượng vệ sinh ATTP", tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, trong triển khai các hoạt động thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bám sát lĩnh vực chuyên môn, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản được tăng cường. Trong đó, hoạt động kiểm tra các cơ sở giết mổ và kinh doanh thịt gia súc, gia cầm được tiến hành ở cả 8/8 huyện, thành phố, thị xã. Tại các cơ sở giết mổ trong tỉnh, phần lớn các cơ sở đều nằm trong khu dân cư, sử dụng khuôn viên của gia đình để tổ chức sản xuất nên điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất chưa đảm bảo, nước thải của quá trình giết mổ được xả trực tiếp gây ô nhiễm vào hệ thống kênh mương tiêu thoát nước của khu dân cư. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở giết mổ quy mô nhỏ, phân tán, làm cho quá trình kiểm soát gặp nhiều khó khăn.
Đối với công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, phần lớn các hộ trồng rau có vị trí phù hợp và thuộc vùng quy hoạch sản xuất rau an toàn của thành phố, thị xã, các huyện gần thị trường tiêu thụ, được sự quan tâm giám sát của các ngành nên có nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất rau theo hướng RAT/VietGAP.
Cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, ngành Nông nghiệp còn tiến hành phân tích dư lượng các chất độc hại trong nông sản thực phẩm. Năm qua, ngành đã tiến hành lấy 16 mẫu rau, 20 mẫu thịt, 5 mẫu thức ăn chăn nuôi, 9 mẫu phân bón tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong tỉnh gửi phân tích tại Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng I. Tiến hành kiểm tra, đánh giá các điều kiện đảm bảo chất lượng, vệ sinh ATTP, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật.
Năm 2011, ngành đã đề xuất với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đưa vùng thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ Kim Sơn vào chương trình kiểm soát năm 2012 với đối tượng là nghêu Bến Tre để cấp giấy chứng nhận xuất xứ theo quy định. Kết quả bước đầu, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã tiến hành thu thập thông tin, số liệu và đánh giá khả năng thực hiện, khảo sát thực tế và lấy mẫu phân tích tại vùng nuôi.
Lý Nhân