Công ty cổ phần may Yên Thành (Yên Khánh) được thành lập vào cuối năm 2010, với 3 dây chuyền sản xuất, tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng. Hiện tại, Công ty đang tạo việc làm cho hơn 200 lao động với mức lương bình quân từ 2,2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, người lao động được tham gia đóng BHXH và các chế độ khác theo quy định.
Để xây dựng mối quan hệ hài hòa với người lao động, từ năm 2011 đến nay, năm nào Công ty cũng tổ chức buổi giao lưu-đối thoại với người lao động vào dịp Tháng công nhân. Đại diện lãnh đạo Công ty cho biết, đối thoại với người lao động nhằm mục đích lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những vướng mắc về việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động. Bên cạnh đó, thông qua đối thoại, Công ty nắm bắt được những khó khăn của người lao động trong thực hiện chuyên môn, từ đó đưa ra những điều chỉnh hợp lý, những biện pháp thực hiện tốt hơn. Nhờ đó, thời gian qua, mối quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp trở nên hài hòa, ổn định.
Ông Hoàng Minh Quế, Trưởng Ban Chính sách- LĐLĐ tỉnh cho biết: Việc tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo chuyên môn với người lao động là rất cần thiết. Trên thực tế, việc tổ chức các cuộc đối thoại đã được thực hiện từ lâu. Song việc này tổ chức không thường xuyên, còn nhiều hạn chế và chưa được bài bản. Bởi thế, những cuộc đối thoại vẫn chưa chạm tới thực chất những vấn đề mà người lao động quan tâm. Từ năm 2010 đến nay, trong Tháng Công nhân việc tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại giữa người lao động và chủ sử dụng lao động đã được tổ chức bài bản và phát huy hiệu quả rõ nét. Sự quan tâm, vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.
Ông Hoàng Minh Quế, cho biết thêm: Khác với những năm trước, Tháng Công nhân năm nay, LĐLĐ tỉnh giao cho LĐLĐ các huyện, công đoàn cấp trên cơ sở chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động trong Tháng Công nhân, đặc biệt là chủ động tổ chức các chương trình giao lưu-đối thoại kết hợp với tuyên truyền kiến thức pháp luật tại các công đoàn cơ sở. Nhờ đó, các đơn vị đã phát huy được sự chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức đối thoại với người lao động. Kết quả, LĐLĐ các huyện, công đoàn ngành đã tổ chức được 18 cuộc giao lưu đối thoại với sự tham gia của 4.500 lao động. Tiêu biểu là các đơn vị như: Công đoàn KCN tổ chức đối thoại với 330 công nhân của Công ty TNHH May Phoenix; Công đoàn ngành Y tế phối hợp với công đoàn các KCN tổ chức tuyên truyền về sức khỏe giới tính cho 160 nữ công nhân lao động Công ty TNHH xi măng The Vissai và Công ty TNHH ChiaChen; tổ chức đối thoại cho CNVC-LĐ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn, Bệnh viện Sản-Nhi Ninh Bình…
Nội dung của các cuộc đối thoại được tập trung vào những nét mới trong Bộ Luật lao động và Luật Công đoàn sửa đổi năm 2012, Luật BHXH, BHYT… Bên cạnh đó, người lao động cũng được đại diện các ban, ngành có liên quan trực tiếp giải đáp những thắc mắc, kiến nghị. Những cuộc đối thoại được thực hiện trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, chân tình và mang tính xây dựng nên đạt được hiệu quả thiết thực. Thông qua đối thoại, người lao động và chủ doanh nghiệp trao đổi, gặp gỡ và tìm được tiếng nói chung cùng nhau vượt qua khó khăn trong bối cảnh tình hình kinh tế suy thoái. Cũng thông qua giao lưu-đối thoại, các cấp công đoàn và chủ các doanh nghiệp có cơ hội để chia sẻ khó khăn, có hoạt động quan tâm thiết thực tới người lao động. Cụ thể, tính riêng Tháng Công nhân năm 2013, LĐLĐ tỉnh đã thực hiện chương trình "Chia sẻ khó khăn" với tổng số tiền gần 80 triệu đồng, trong đó hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 3 CNVC có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ quà cho 35 CNLĐ nghèo, trao 1.000 cặp phao cho học sinh các trường tiểu học ở các huyện Yên Khánh, Gia Viễn, Kim Sơn, Nho Quan.
Để thúc đẩy hơn nữa hoạt động đối thoại giữa người lao động và chủ sử dụng lao động, qua đó giảm thiểu các vụ đình công, lãn công ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người lao động, Bộ Luật lao động sửa đổi (năm 2012) quy định rõ, các đơn vị sử dụng lao động phải tổ chức giao lưu, đối thoại với người lao động 3 tháng/lần. Và đặc biệt, việc ký kết thỏa ước lao động tập thể sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các đơn vị sử dụng lao động. Thỏa ước lao động tập thể được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết tranh chấp lao động và là biện pháp hữu hiệu để hạn chế xung đột và tranh chấp lao động. Trong thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ tăng cường công tác tập huấn kỹ năng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể và nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở nhằm thực hiện mục tiêu nâng tổng số doanh nghiệp ngoài quốc doanh có ký kết thỏa ước lao động tập thể lên 80% trong năm 2013.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng mà người lao động quan tâm, đó là sau đối thoại các vấn đề nêu ra được giải quyết như thế nào? Ai sẽ là người tham gia giám sát, thực hiện? Ông Hoàng Minh Quế, trưởng ban chính sách, LĐLĐ tỉnh cho rằng: Ngoài những vấn đề có thể giải quyết, giải đáp tại chỗ cho người lao động, thì mỗi cấp, mỗi ngành cần xem xét từng vấn đề một cách thấu đáo theo đúng các quy định hiện hành để trả lời cho người lao động bằng văn bản. Những ý kiến trả lời phải có tính khả thi cao, tạo được chữ tín để nâng cao vị thế của người lãnh đạo, đây cũng là yếu tố mang tính quyết định cho sự ổn định và phát triển bền vững của đơn vị. Các cấp công đoàn phối hợp với các phòng, ban có liên quan thực hiện giám sát, đảm bảo quyền lợi và xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của người lao động.
Thu Hằng