Chị Nguyễn Thị Tần (phố Trung Nhì, phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình) than thở: "Không biết làm cách nào để diệt hết chuột được, lúa của nhà tôi tốn bao công chăm sóc nay bị chuột cắn phá hết. Trước đây dùng túi nilon bao quanh ruộng là đỡ, bây giờ thì có quây kín thế nào cũng không ngăn nổi chuột vào cắn phá".
Những nguyên nhân chính để chuột phát sinh và gây hại lớn hiện là: Khả năng sinh sản của chuột rất nhanh, cộng thêm khoảng cách về thời gian giữa các vụ sản xuất ngày càng được rút ngắn, vì vậy thức ăn của chuột liên tục có trên đồng ruộng là điều kiện thuận lợi cho quần thể chuột phát triển. Hơn thế nữa, các loài thiên địch như mèo, rắn ít dần. Một nguyên nhân quan trọng khác phải kể đến đó là một số địa phương vẫn còn thiếu sự quan tâm, đôn đốc, kiểm tra, thậm chí không duy trì hoạt động đánh bắt chuột thường xuyên. Các đợt diệt chuột được phát động theo kiểu hình thức, không huy động được toàn dân tham gia, hiệu quả đem lại thấp.
Đồng chí Đỗ Thị Thao, Chi cục phó Chi cục BVTV cho biết: Căn cứ vào tình hình chuột hại ở các vụ, ngay từ cuối năm 2008, Chi cục đã có kế hoạch và biện pháp diệt chuột cụ thể. Theo đó, đề nghị các địa phương kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo diệt chuột, phát động toàn dân tham gia diệt chuột, tổ chức thành các phong trào, các đợt diệt chuột, xây dựng các đội đánh bắt chuột ở các HTX... Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã mở các lớp tập huấn công tác diệt chuột ở 8 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Kết quả, đến nay toàn tỉnh đã diệt được gần 1.195 nghìn con chuột, trong đó diệt bằng phương pháp thủ công được hơn 512 nghìn con, phương pháp hóa học là 654.410 con, còn lại phương pháp sinh học. Một số HTX có phong trào diệt chuột tốt, đó là: HTX Đồng Hướng (huyện Kim Sơn), HTX Đông Cường (huyện Yên Khánh); HTX Đức Long (huyện Nho Quan); HTX Bạch Cừ, Đông Giang (huyện Hoa Lư)...
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Giang (huyện Hoa Lư) cho biết: Ngay từ thời gian đổ ải làm đất, xã đã phát động phong trào diệt chuột trong toàn xã, phối hợp với các thôn xóm diệt chuột ở ngoài đồng cũng như kho tàng và khu dân cư. Hiện nay, xã có 2 HTX, tuy mỗi HTX có một cách làm riêng nhưng đều đem lại kết quả tốt. HTX Đông Giang năm nay đã trích 7 triệu đồng tiền quỹ để mua bẫy kẹp đặt ở các bờ ruộng, có khi bẫy được gần 1 nghìn con chuột một đêm. HTX Trung Bãi Trữ thì lại sử dụng đa dạng các biện pháp hơn: Phát động nhân dân nuôi mèo với hình thức hỗ trợ mỗi xã viên 20 nghìn đồng để mua mèo, đặt bẫy, đặt bả sinh học, đào bắt thủ công...
Bên cạnh những đơn vị làm tốt thì vẫn còn những địa phương chưa tích cực trong công tác chỉ đạo diệt chuột, một số vùng vẫn còn những diện tích bị chuột hại ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng lúa. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & PTNT, hiện nay tỉnh ta vẫn còn 282,3 ha lúa bị chuột gây hại, trong đó diện tích bị hại nặng là 33,3 ha, tập trung chủ yếu ở Nho Quan với 200 ha bị chuột hại và diện tích bị hại nặng là 25 ha.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra, công tác diệt chuột phải được chú trọng hơn nữa, không chỉ phát động 1-2 đợt là dừng lại mà phải tiến hành đồng loạt, thường xuyên và liên tục, đảm bảo thắng lợi vụ sản xuất đông xuân 2008-2009 và những vụ sản xuất tiếp theo.
Nguyễn Lựu