Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác PBGDPL, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật; thực hiện tốt việc tư vấn, hướng dẫn hoạt động PBGDPL. Nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL được quan tâm đúng mức. Đối tượng PBGDPL được phủ rộng, đa dạng tới nhiều nhóm, vùng, miền khác nhau. Nội dung PBGDPL đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng trong phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương.
Hình thức PBGDPL ngày càng đa dạng, phong phú, có sáng tạo, với phương châm văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực của ngành nào thì ngành đó chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện.
Với nhiều việc làm tích cực, đồng bộ, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến rõ nét. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh thì công tác PBGDPL hiện vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế đó là: công tác tham mưu, chỉ đạo cho các cấp ủy, chính quyền có lúc, có nơi chưa kịp thời; hoạt động của Hội đồng phối hợp các cấp chưa đồng đều, thiếu tính chủ động. Công tác kiểm tra thực trạng PBGDPL chưa được thực hiện thường xuyên, đặc biệt là ở cơ sở.
Việc PBGDPL cho các đối tượng đặc thù còn dừng ở mức độ. Hình thức tuyên truyền pháp luật thông qua sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, tủ sách pháp luật còn hạn chế. Nhiều thôn, xóm, tổ dân phố chưa có tủ sách pháp luật.
Phong trào đọc sách pháp luật trong nhân dân chưa cao; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL chưa được mở rộng. Đội ngũ pháp chế ở một số sở, ngành, doanh nghiệp chậm được kiện toàn.
Đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân tại các trường học còn dạy chéo môn; một bộ phận báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật chưa tâm huyết với công việc, kỹ năng PBGDPL còn hạn chế.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhiều lại liên tục được sửa đổi, bổ sung; nhiều luật đã có hiệu lực nhưng thiếu văn bản hướng dẫn thi hành gây khó khăn cho người làm công tác tuyên truyền và lúng túng cho người dân khi có nhu cầu tìm hiểu pháp luật.
Phần lớn thành viên tham gia Hội đồng phối hợp giữ vị trí lãnh đạo ở các sở, ngành, địa phương do phải đảm trách nhiều công việc nên thiếu sự chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn công tác PBGDPL.
Mặt khác, điều kiện, địa lý của các vùng, miền, các quan niệm tôn giáo truyền thống văn hóa không giống nhau, gây khó khăn cho công tác tiếp cận, tìm hiểu pháp luật của nhân dân. Bên cạnh đó, một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL nên đã giao phó công tác này cho cơ quan Tư pháp.
Công tác tham mưu của cơ quan Tư pháp cơ sở cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác PBGDPL có nơi chưa thường xuyên, kịp thời.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức cho đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên cơ sở chưa được thực hiện thường xuyên.
Nhằm tăng cường công tác PBGDPL đến đông đảo nhân dân, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã có kế hoạch chỉ đạo Hội đồng phối hợp các cấp khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu và đề nghị Bộ Tư pháp ban hành hoàn thiện chính sách, thể chế về công tác PBGDPL.
Có chính sách cụ thể cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở khi làm nhiệm vụ PBGDPL. Đề nghị các ngành, địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng thực hiện công tác PBGDPL. Hàng năm kiểm tra, đánh giá việc thực hiện pháp luật của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Khuyến khích phát huy hình thức ký kết chương trình phối hợp giữa cơ quan, đơn vị, đoàn thể trong công tác PBGDPL. Thực hiện tốt việc bảo đảm kinh phí cho công tác tuyên truyền PBGDPL ở cơ sở.
Quang Khải