Từ đầu năm đến nay, thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, có hiệu quả, có trọng tâm của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, UBND tỉnh, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, quy trình quản lý nợ số 1401/QĐ-TCT, quy trình cưỡng chế nợ thuế số 751/QĐ-TCT bằng các biện pháp trích tiền từ tài khoản tiền gửi của đối tượng nợ thuế, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.
Trong 8 tháng đầu năm 2016, ngành Thuế đã đôn đốc và thu được tổng số nợ là 402,1 tỷ đồng, bao gồm: Thu nợ năm 2015 chuyển sang là 74,6 tỷ đồng và thu nợ phát sinh năm 2016 là 327,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tính đến hết tháng 8-2016, tổng số tiền thuế nợ trên địa bàn tỉnh là 678,7 tỷ đồng, bao gồm: Tiền chậm nộp 134,4 tỷ đồng; nợ khó thu, chờ xử lý, điều chỉnh 190,8 tỷ. Trong đó, nợ khó thu 151,4 tỷ đồng, nợ chờ xử lý 26,4 tỷ đồng, nợ chờ điều chỉnh 13 tỷ đồng; nợ có khả năng thu 353,2 tỷ đồng, trong đó, nợ dưới 90 ngày: 208,6 tỷ đồng, nợ trên 90 ngày: 144,6 tỷ đồng.
Xác định công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý thuế, do đó thời gian qua, công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đã được ngành Thuế Ninh Bình đặc biệt quan tâm, không chỉ bởi để đáp ứng được nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, mà quan trọng hơn là để chấn chỉnh và làm chuyển biến nhận thức về việc chấp hành chính sách, pháp luật của người nộp thuế trên địa bàn.
Hàng năm, Cục Thuế tỉnh luôn chỉ đạo các phòng, các chi cục thuế thường xuyên thực hiện rà soát, đối chiếu các khoản nợ để phân tích, phân loại và quản lý nợ thuế, mạnh dạn áp dụng các biện pháp xử phạt do chậm nộp tiền thuế, tăng cường triển khai cưỡng chế và thu hồi nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Để công tác quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, ngành Thuế đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm tăng cường thu hồi nợ thuế trong năm 2016.
Trong đó, ngành Thuế đã chỉ đạo Văn phòng Cục Thuế và các địa phương tập trung kiểm tra, rà soát doanh thu, mức thuế khoán của các hộ kinh doanh để chống thất thu về số hộ và doanh số, thực hiện đối chiếu tình hình thực tế kinh doanh của các hộ để điều chỉnh sổ bộ thuế sát với thực tế kinh doanh, đảm bảo doanh thu, mức thuế tháng sau phải cao hơn doanh thu, mức thuế tháng trước, đặc biệt là các hộ kinh doanh ngành nghề: ăn uống, nhà nghỉ, khách sạn, karaoke, kinh doanh thuốc tân dược...; đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm túc đề án: "Tăng cường công tác quản lý, chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình" để đảm bảo tính khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và quản lý triệt để nguồn thu phát sinh.
Các đơn vị tăng cường đôn đốc nộp các khoản thuế vào ngân sách nhà nước đúng thời hạn. Triển khai đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, của cả hệ thống chính trị trong việc quản lý thuế, thu hồi nợ đọng.
Đối với những doanh nghiệp có biểu hiện cố tình chây ỳ, nợ thuế, Cục Thuế tỉnh yêu cầu các đơn vị mời các doanh nghiệp lên làm việc, giải trình rõ nguyên nhân, yêu cầu cam kết thời hạn nộp hết số thuế nợ đọng.
Đối với các trường hợp chây ỳ, nợ thuế đã được động viên, đôn đốc, đã áp dụng các biện pháp của quy trình cưỡng chế nợ thuế vẫn không nộp tiền nợ thuế, ngay trong tháng 9-2016 Cục Thuế sẽ áp dụng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.
Thường xuyên kiểm tra xác minh tình hình tài chính của doanh nghiệp để áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Kịp thời biểu dương doanh nghiệp nộp thuế tốt, công khai các doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng chú trọng việc giao chỉ tiêu thu hồi nợ thuế cho từng bộ phận, từng cán bộ quản lý nợ, xác định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, từng cán bộ trong công tác quản lý, đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế hàng tháng để tăng thu nộp ngân sách nhà nước. Phấn đấu đến hết ngày 31-12-2016, số tiền thuế nợ có khả năng thu không vượt quá 5% so với tổng số thu ngân sách Nhà nước năm 2016.
Việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế phải được thực hiện minh bạch, liêm chính, đúng luật và phải có sự theo dõi, giám sát chặt chẽ. Tiếp tục thực hiện quyết liệt đề án: "Tăng cường công tác quản lý, chống thất thu thuế trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình".
Đặc biệt, chú trọng thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản và kinh doanh xăng dầu nhằm quản lý tốt nguồn thu, chống thất thu ngân sách Nhà nước.
Ngành Thuế cũng thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành kiểm soát chặt chẽ, triệt để các khoản thu liên quan đến đất đai như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, các khoản thu khác ngân sách như tiền phạt an toàn giao thông, tiền bán tài sản Nhà nước, các khoản thu khác tại xã...
Đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thuế theo phương pháp quản lý rủi ro tại trụ sở người nộp thuế; công tác thanh, kiểm tra sau hoàn thuế GTGT và công tác thu nợ thuế, đảm bảo đạt các tiêu chí theo chỉ đạo của Bộ Tài chính. Cục Thuế tỉnh rà soát lựa chọn từ 3 - 5 doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế để tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các ngành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế.
Tiếp tục công khai số nộp của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời công khai các doanh nghiệp trọng điểm thuộc các tiêu chí sau: các doanh nghiệp có số dự toán giao cao nhưng số thuế nộp thấp; các doanh nghiệp trọng điểm có số nợ thuế lớn.
Đối với lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản, Cục Thuế tỉnh đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép hoặc kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thu hồi giấy phép theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp khai thác tài nguyên, khoáng sản chây ỳ, nợ đọng tiền thuế, vi phạm về pháp luật thuế.
Nguyễn Thơm