Đặc biệt, năm 2011 để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, giảm dần bội chi ngân sách Nhà nước, bảo đảm an ninh tài chính Quốc gia, dư nợ công ở mức cho phép, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tổ chức triển khai các giải pháp tổng thể về tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công. Bước sang năm 2012, được xem là năm bản lề cho việc tái cấu trúc nền kinh tế, do đó yêu cầu cần có sự tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài chính và ngân sách, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu ngân sách Nhà nước năm 2012.
Năm 2011, nền kinh tế trong nước nói chung và trong tỉnh nói riêng có những yếu tố không thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Việc thực hiện các giải pháp của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, công tác thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2011 đạt 3.383 tỷ đồng, tăng 14,7% so với dự toán và tăng 10,4% so với thực hiện nhiệm vụ năm 2010. Trong đó, thu thuế, phí, lệ phí và thu khác ngân sách đạt 1.669 tỷ đồng, tăng 15,1% so với dự toán và tăng 16,5% so với thực hiện năm 2010. Thu tiền sử dụng đất đạt 1.113,7 tỷ đồng, tăng 25,7% so với dự toán và tăng 113,8% so với thực hiện năm 2010. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 600,7 tỷ đồng, bằng 97,8% dự toán và bằng 92% so với thực hiện năm 2010.
Về chi ngân sách địa phương, theo dự toán HĐND tỉnh giao là 3.926,9 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2011 là 5.080,6 tỷ đồng, vượt 29,4% dự toán, trong đó, chi đầu tư phát triển là 1.485,5 tỷ đồng, vượt 34,3% dự toán; chi thường xuyên là 2.872,6 tỷ đồng, vượt 28,2% dự toán.
Thông qua việc thu, chi ngân sách của địa phương năm 2011 có thể thấy, công tác quản lý, điều hành ngân sách trong năm 2011 của tỉnh đã đảm bảo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Công tác quản lý, kiểm soát chi đảm bảo vừa chặt chẽ theo quy định, vừa thông thoáng, đáp ứng nhu cầu kinh phí thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đối với công tác quản lý ngân sách khối huyện, thành phố, thị xã; ngân sách các xã, phường, thị trấn năm 2011 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chính quyền các cấp đã thực sự coi thu ngân sách là nhiệm vụ trọng tâm, tăng cường khai thác nguồn thu gắn với nuôi dưỡng nguồn thu. Năm 2011, các huyện, thành phố, thị xã đều hoàn thành vượt mức dự toán thu được giao.
Trong công tác điều hành ngân sách, các huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn đã chủ động cân đối để đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên cũng như những nhiệm vụ đột xuất phát sinh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, thẩm tra quyết toán ở xã, phường, thị trấn, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những lệch lạc, sai sót, chống thất thu ngân sách, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, năm 2011, công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được chỉ đạo chặt chẽ. Thực hiện phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh dàn trải. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của các đơn vị trong công tác thẩm định và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư, đưa công tác quản lý vốn đầu tư vào nền nếp. Tỉnh cũng đã tăng cường công tác kiểm tra đối với các đơn vị chủ thầu. Kiểm tra trực tiếp các dự án của huyện, thị xã, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ quản lý đầu tư xây dựng cơ bản nhằm đưa công tác quản lý vốn đầu tư ngày càng đạt hiệu quả cao.
Trong công tác tài chính, việc quản lý giá, quản lý tài sản công cũng là một lĩnh vực quan trọng. Do đó, trong năm 2011, công tác quản lý giá công sản được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả trên địa bàn để xử lý theo thẩm quyền, hoặc báo cáo Bộ Tài chính xử lý. Tỉnh cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra việc đăng ký, kê khai giá, bán theo giá niêm yết, phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định, góp phần bình ổn giá, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Thực hiện tốt việc quản lý tài sản công. Thực hiện công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng, giá vật liệu đến chân công trình dự án trên địa bàn tỉnh theo quy định. Hướng dẫn thực hiện các chính sách, chế độ quản lý tài chính doanh nghiệp, tài chính HTX, kinh tế tập thể, chế độ quản lý bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Năm 2012, mục tiêu của tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội theo Kết luận 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả đầu tư, chất lượng dịch vụ, phát triển du lịch, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, phát triển nông nghiệp và tập trung xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; phát triển toàn diện văn hóa - xã hội, an ninh, chính trị, quốc phòng đảm bảo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Để đạt được các mục tiêu này, tỉnh đã đề ra các chỉ tiêu và giải pháp cụ thể, trong đó các giải pháp về tăng cường công tác quản lý của Nhà nước về nhiệm vụ tài chính và ngân sách luôn được coi trọng.
Để thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, ngay từ cuối năm 2011, Cục thuế tỉnh đã xây dựng dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2012 để trình HĐND tỉnh. Các biện pháp thực hiện thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đảm bảo vững chắc, có tính khả thi cao trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chính sách, chế độ hiện hành. Phấn đấu năm 2012 thu từ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tăng khoảng 16-18%, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng khoảng 20% để bù đắp khoản thiếu hụt do giảm từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất.
Chi ngân sách Nhà nước đảm bảo cân đối giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xây dựng dự toán. Đối với chi đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước, do khả năng bố trí dự toán năm 2012 và dự kiến cả giai đoạn 2012-2015 ở mức thấp so với yêu cầu nên các cấp, các ngành phải thực hiện rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, tái cơ cấu các dự án đầu tư. Đồng thời phải tranh thủ nguồn vốn của Trung ương để tập trung cho các dự án quan trọng, cấp bách, có thể sớm hoàn thành đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả.
Để tăng cường công tác quản lý tài chính, ngân sách trên địa bàn, các địa phương cần chủ động thực hiện cơ chế tạo nguồn, huy động nguồn và dự phòng ngân sách theo đúng quy định. Ưu tiên chi ngân sách cho các mục tiêu phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Tăng cường và thống nhất thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện chế độ đăng ký giá, kê khai giá, công khai thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định. Đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực tài chính ngân sách. Thúc đẩy thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng.
Nguyễn Thơm