Hưởng ứng phong trào này, trong những năm học qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các cấp Hội cựu chiến binh tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho các em học sinh.
Buổi sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề "Vang mãi khúc hành ca" của cô và trò Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (thành phố Ninh Bình) đã thu hút các em học sinh tham gia sôi nổi. Những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, những câu chuyện, những kỷ niệm về những ngày tháng gian khổ trong chiến đấu được các bác cựu chiến binh phường Phúc Thành thể hiện đã để lại tình cảm sâu sắc trong mỗi học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng cho biết: Nhận thấy việc giáo dục truyền thống cho học sinh có vai trò quan trọng nhằm phát triển toàn diện nhân cách cho các em, nhiều năm nay, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa theo chủ đề hàng tháng, hàng năm. Như tháng 12 có ngày truyền thống quân đội nhân dân Việt Nam, nhà trường đã mời các bác cựu chiến binh phường về nói chuyện, giao lưu văn nghệ để các em hiểu hơn về truyền thống cách mạng, những công lao đóng góp to lớn của thế hệ cha anh đi trước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tạo động lực để các em phấn đấu vươn lên trong học tập. Đây cũng là chương trình phối hợp có ý nghĩa thiết thực được nhà trường và các cấp Hội Cựu chiến binh duy trì phối hợp trong nhiều năm qua.
Ông Phạm Hồng Sơn, cựu chiến binh phường Phúc Thành (thành phố Ninh Bình) cho biết: Đã thành truyền thống, hàng năm, Hội Cựu chiến binh phường Phúc Thành thường xuyên phối hợp với các nhà trường trên địa bàn xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động, thống nhất nội dung, phương pháp tổ chức các đợt tuyên truyền, nói chuyện truyền thống với học sinh nhân các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Nội dung các cựu chiến binh tập trung tuyên truyền về truyền thống cách mạng của dân tộc, quân đội và nhân dân Việt Nam; về chủ quyền biển đảo Việt Nam, về bản chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ"… Qua các buổi tuyên truyền, giáo dục góp phần hun đúc thêm truyền thống yêu nước, yêu dân tộc cho thế hệ trẻ.
Không riêng chỉ Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, trong những năm học gần đây, cùng với việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, nhiều đơn vị trường học đã quan tâm chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, trong đó có nội dung giáo dục truyền thống cách mạng cho các em, thể hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Theo đó, ngay từ đầu năm học, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể theo từng tháng, từng chủ đề gắn với các sự kiện nhân các ngày lễ lớn của dân tộc, của đất nước, của tỉnh và của địa phương. Tùy theo từng sự kiện, phù hợp với quy mô, các nhà trường tổ chức phát động cho học sinh thi viết bài tìm hiểu, triển khai lồng ghép các sự kiện với các phong trào thi đua của nhà trường, tổ chức các buổi tọa đàm, nghe nói chuyện chuyên đề, mít tinh kỷ niệm... giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về ý nghĩa lịch sử của những sự kiện, ngày lễ đó.
Em Vũ Thị Dung, học sinh lớp 12D, Trường THPT Nho Quan C, giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn lớp 12 cho biết: Là một học sinh yêu thích những môn xã hội nên em rất hào hứng với những hoạt động ngoại khóa do Đoàn thanh niên và các tổ bộ môn của trường tổ chức. Tháng 12 vừa qua, Trường THPT Nho Quan C tổ chức chuyên đề ngoại khóa tìm hiểu về lịch sử, truyền thống ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, trước đó em và các bạn đã tìm hiểu qua nhiều tài liệu trong sách vở, qua mạng Internet để trả lời những câu hỏi mà các thầy, cô giáo trong Ban tổ chức đưa ra. Đối với mỗi học sinh chúng em, được tìm hiểu về truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước sẽ giúp bản thân mình thêm yêu quê hương, đất nước, gắng sức học tập, rèn luyện noi gương những thế hệ cha anh đi trước…
Đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Đối với các hoạt động ngoại khóa nói chung, trong đó có công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo luôn khuyến khích các nhà trường phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể của xã, phường, thị trấn như Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… tổ chức giao lưu, nói chuyện chuyên đề, thi tìm hiểu về các ngày kỷ niệm của đất nước và có những hoạt động tri ân thiết thực. Theo đó, nhiều đơn vị trường học trong tỉnh, nhân các ngày lễ lớn như 30-4, 27-7, 22-12… đã tổ chức đến thăm, tặng quà thương binh, liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng; tổ chức giúp đỡ, động viên những thương, bệnh binh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Đặc biệt, việc các nhà trường nhận chăm sóc các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng tại quê hương đã có tác động mạnh mẽ tới việc giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống cho học sinh. Có 329 trường học nhận chăm sóc di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, nghĩa trang hoặc Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương binh, liệt sĩ… 5 năm qua, học sinh các trường học đã chăm sóc 78 di tích Quốc gia; 162 di tích cấp tỉnh; 232 công trình Nghĩa trang liệt sĩ, Đài tưởng niệm liệt sĩ; 129 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và gia đình thương binh, liệt sĩ…
Thông qua việc chăm sóc, tìm hiểu, tuyên truyền về di tích lịch sử, văn hóa, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công; học tập những gương chiến đấu, lao động, học tập của các thế hệ đi trước, giúp các em học sinh chia sẻ, gắn bó, thêm yêu quê hương, đất nước…
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh