Trong những năm qua, các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghệp FDI cơ bản thực hiện khá đầy đủ các quy định của pháp luật lao động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Các doanh nghiệp có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động như khai thác đá, khai thác mỏ đã có chuyển biến tích cực trong việc chấp hành nghiêm các quy định về ATVSLĐ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, nhiều doanh nghiệp thuộc diện doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân vẫn còn xem nhẹ công tác đảm bảo ATVSLĐ, một số doanh nghiệp chưa thực sự thấy rõ tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, thực hiện công tác ATVSLĐ theo kiểu đối phó, có trang bị thiết bị nhưng không tập huấn cho người lao động, không giao trách nhiệm cụ thể cho người giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định, nội quy, biện pháp ATVSLĐ trong cơ sở, dẫn đến công tác này bị bỏ lửng. Một số doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ sử dụng công nghệ lạc hậu và các dự án do các nhà thầu thi công xây lắp thường để xảy ra tai nạn lao động và bệnh nghề nhiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến tính mạng, sức khỏe của người lao động. Cải thiện điều kiện lao động, ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, đảm bảo an toàn, vệ sinh sức khỏe cho người lao động là vấn đề có ý nghĩa chính trị nhân văn, đồng thời tăng thêm uy tín cho doanh nghiệp, khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần có các giải pháp tăng cường, nâng cao chất lượng quản lý, thực hiện tốt công tác ATVSLĐ. Để thực hiện tốt vấn đề trên, các cơ quan quản lý Nhà nước cần nâng cao chất lượng và số lượng cán bộ làm công tác ATVSLĐ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATVSLĐ, tăng cường tập huấn chuyên sâu về công tác ATVSLĐ, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân về công tác ATVSLĐ, động viên, khen thưởng kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Người sử dụng lao động tăng cường hướng dẫn thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn cho người lao động. Thường xuyên kiểm tra công tác an toàn đối với mỗi ca sản xuất. Đình chỉ công việc của người lao động cố tình vi phạm các quy định về ATVSLĐ; không để người lao động làm việc trong tình trạng mất an toàn. Kiểm tra điều kiện an toàn trước khi bố trí người lao động làm việc, trong khi người lao động làm việc nếu thấy phát sinh yếu tố nguy hiểm, lập tức dừng công việc để xử lý… Đối với người lao động, tuyệt đối tuân thủ nội quy, quy định về an toàn lao động, không được chủ quan làm bừa, làm ẩu, sử dụng đúng, đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và cần tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về ATVSLĐ do người sử dụng lao động tổ chức.
Ngoài ra, để hạn chế tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp và đảm bảo ATVSLĐ cần nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và vai trò của người lao động trong việc tự bảo vệ mình và đồng nghiệp, tránh các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Các doanh nghiệp và người sử dụng lao động cần làm tốt việc tổ chức huấn luyện, hướng dẫn thông báo cho người lao động về quy định, biện pháp làm việc an toàn, những tai nạn lao động cần đề phòng; trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật, bảo hộ lao động cho người lao động. Coi việc thực hiện công tác ATVSLĐ là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội và mọi tầng lớp nhân dân; đặc biệt là của người sử dụng lao động và người lao động. Đảm bảo công tác ATVSLĐ gắn liền với công tác bảo vệ môi trường là việc làm góp phần nâng cao năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm của doanh nghiệp.
Trần Mạnh Dũng