Vụ việc toàn bộ công nhân, lao động của Công ty TNHH Vienergy ngừng làm việc diễn ra vào buổi trưa ngày 11/2/2022. Một số công nhân truyền tay nhau tờ giấy A4 chứa nội dung kêu gọi ngừng việc, đòi hỏi quyền lợi. Nội dung kêu gọi ngừng việc là để làm rõ chế độ tiền lương và phúc lợi chưa thỏa đáng tại công ty. Bắt đầu từ 12 giờ 30 phút, toàn bộ 5.300 công nhân của công ty đã ngừng việc tập thể.
Sự việc tiếp diễn vào sáng ngày hôm sau (12/2/2022), khoảng 1.200 người lao động vẫn đến công ty, tập trung trước cổng, tiếp tục đòi quyền lợi. Những nội dung người lao động kiến nghị vẫn xoay quanh những vấn đề đã được các cơ quan chức năng tổng hợp, thương lượng với đại diện Công ty từ chiều ngày 11/02/2022, tuy nhiên phía công ty chưa thông báo trả lời với người lao động.
Vụ ngừng việc tập thể thứ hai diễn ra tại Công ty TNHH May áo cưới thời trang chuyên nghiệp vào ngày 15/2/2022, khoảng 240 lao động ngừng việc, đòi quyền lợi về tiền lương và các chế độ chính sách khác. Sự việc tiếp diễn trong ngày 16/2 và phải đến ngày 17/2, sự việc mới được giải quyết, người lao động mới trở lại làm việc.
Trong cả 2 vụ ngừng việc tập thể nêu trên, đại diện Liên đoàn lao động tỉnh, Công đoàn các khu công nghiệp đã trực tiếp xuống hiện trường, kịp thời phối hợp với công đoàn cơ sở, các ngành chức năng và địa phương để tổng hợp ý kiến, kiến nghị của công nhân, lao động; đồng thời tiến hành làm việc với đại diện của các công ty để giải quyết các kiến nghị của người lao động.
Theo đồng chí Lê Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Công đoàn các KCN cho biết: Qua tổng hợp, công nhân của Công ty TNHH Vienergy có 21 nội dung kiến nghị, công nhân của Công ty TNHH May áo cưới thời trang chuyên nghiệp kiến nghị 15 nội dung. Sau khi tổng hợp đầy đủ các nội dung, chúng tôi cùng các cơ quan chức năng của tỉnh, địa phương tổ chức buổi làm việc, thương lượng với đại diện lãnh đạo công ty giải quyết từng nội dung và được đại diện người lao động nhất trí.
Đa phần các kiến nghị của người lao động đã được các công ty chấp thuận, một số chế độ chính sách được điều chỉnh để hài hòa giữa quyền lợi, lợi ích của người lao động và công ty.
Song song với đó, chúng tôi đã động viên, tuyên truyền với người lao động trở lại làm việc bình thường, nếu còn vướng mắc, tiếp tục nêu đề xuất với công đoàn cơ sở, công đoàn các KCN để được thương lượng, giải quyết kịp thời, không tổ chức ngừng việc tập thể trong tình hình dịch bệnh đang diễn ra hết sức phức tạp, giữ ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Tuy cả 2 vụ ngừng việc tập thể đã được giải quyết, song vẫn còn đó những vấn đề trăn trở. Đặc biệt là việc phát huy vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho công nhân, lao động; trở thành chỗ dựa vững chắc cho người lao động.
Chính chị Vũ Thị Hải Yến, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Vienergy cũng nhận định: Có lẽ công nhân, người lao động chưa thực sự hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối vào tổ chức công đoàn công ty. Bởi lẽ chúng tôi có nhiều kênh thông tin để tiếp nhận những ý kiến phản ánh của công nhân như hòm thư góp ý, các số điện thoại đường dây nóng hoặc các hội, nhóm trong ứng dụng nhắn tin như zalo, facebook; mỗi chuyền sản xuất đều có tổ trưởng công đoàn song hoàn toàn không nhận được bất kỳ phản ánh nào của công nhân trước khi vụ việc xảy ra.
Chị Yến cũng khẳng định, kể từ khi thành lập tổ chức công đoàn công ty từ năm 2018 đến nay, công đoàn là "cầu nối", tiếp nhận và đề xuất nhiều vấn đề với chủ doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi, lợi ích cho công nhân, lao động. Về vụ ngừng việc tập thể vừa qua, chị Yến cho rằng có một số bộ phận người lao động thiếu niềm tin vào tổ chức công đoàn, kích động dẫn đến sự việc.
Qua 2 vụ việc nêu trên, thiết nghĩ các cấp công đoàn trong tỉnh cần tăng cường các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Trong đó tập trung công tác tuyên truyền, tư vấn tới người lao động, người sử dụng lao động về việc đồng hành, chia sẻ khó khăn, lấy quan tâm, chăm lo việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động làm động lực ổn định doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp là cơ sở để tạo việc làm, thu nhập và nâng cao đời sống của người lao động.
Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động đối thoại, thắt chặt mối liên kết giữa người lao động - tổ chức công đoàn - người sử dụng lao động để giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị ngay từ đầu, tránh xảy ra những vụ ngừng việc tập thể như trên. Về phía người lao động cũng cần đặt nhiều hơn nữa niềm tin vào tổ chức công đoàn cơ sở, mạnh dạn phản ánh ý kiến, kiến nghị với công đoàn cấp trên.
Bài, ảnh: Thái Học