Ông Hà Quốc Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Qua kiểm tra, nắm bắt thực tế các ổ dịch trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy các triệu chứng của bệnh không điển hình, đặc biệt số lợn bị chết chủ yếu ở thể cấp tính với biểu hiện trụy tim, viêm cơ tim cấp tính, viêm khớp và chết nhanh.
Do vậy, gây khó khăn cho công tác chuẩn đoán, phát hiện và xử lý dịch bệnh; tình trạng người dân giấu dịch, không báo cáo để điều trị, bán chạy cũng là nguyên nhân làm cho dịch bệnh lây lan.
Tính đến ngày 13/1, toàn tỉnh có 25 xã thuộc 2 huyện là Kim Sơn và Nho Quan có lợn bị mắc bệnh LMLM với tổng số 1.506 con. Về kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm phát hiện cả type A và type O, các type này chủ yếu gây bệnh trên đàn lợn, đàn trâu bò ít bị bệnh (trong đó type A là type lần đầu tiên phát hiện, gây bệnh ở gia súc trên địa bàn tỉnh).
Trước tình hình bệnh LMLM có diễn biến phức tạp nêu trên, để khẩn trương kiểm soát, khống chế, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi, Sở Nông nghiệp & PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh quyết định cấp 10 nghìn lít hóa chất, 25 nghìn liều vắc xin LMLM để các địa phương có bệnh phun khử trùng tiêu độc và tiêm phòng bao vây ổ bệnh.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y cùng với chính quyền các địa phương thực hiện nhiều biện pháp xử lý ổ dịch khác theo quy định: tiêu hủy gia súc bị bệnh, gia súc chết; lập các chốt kiểm dịch tạm thời, có biển báo, có hướng dẫn giao thông, ngăn cấm việc đưa gia súc và sản phẩm của chúng ra ngoài vùng dịch.
Bên cạnh đó, tích cực cùng với người chăn nuôi điều trị triệu chứng cho những gia súc mắc bệnh. Đơn vị cũng tăng cường kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán phát hiện sớm dịch bệnh, từ đó xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát sinh; đôn đốc công tác tiêm phòng vắc xin LMLM cho đàn gia súc, thực hiện tiêm vắc xin đúng chủng gây bệnh theo hướng dẫn của Cục Thú y.
Nhờ những biện pháp triển khai kịp thời, cấp bách nên đến thời điểm này, các ổ dịch LMLM trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được khống chế, không có lợn mắc mới bệnh, số lợn còn mắc bệnh đã giảm. Tuy vậy, do tính chất của dịch bệnh trên cả nước trong đợt này cùng với khó khăn do khí hậu, thời tiết nên dịch bệnh vẫn có nguy cơ tiếp tục phát sinh.
Thời gian tới, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch; tuyệt đối không bán chạy lợn ốm, không ăn thịt lợn ốm chết; không vứt xác lợn ốm, chết ra ngoài môi trường; hạn chế người và phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi; không giấu dịch, thực hiện báo cáo dịch bệnh kịp thời cho thú y cơ sở và chính quyền địa phương khi có dịch xảy ra.
Các địa phương cần sớm kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh để làm tốt việc quản lý, kiểm tra, giám sát dịch bệnh; thực hiện tốt Tháng hành động vệ sinh, tiêu độc khử trùng từ ngày 25/12/2018-21/1/2019, đặc biệt tại các khu vực đang có dịch và các địa bàn có nguy cơ cao.
Ngành Chăn nuôi và Thú y tăng cường kiểm tra, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật đảm bảo nguồn cung thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán, đặc biệt là nguồn thực phẩm vận chuyển từ ngoài tỉnh vào và tại các điểm giáp ranh với các tỉnh lân cận.
Bài, ảnh: Hà Phương