Phóng viên (PV): Xin đồng chí chia sẻ một số kết quả nổi bật trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, nhất là những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn?
Đ/c Lê Thị Lựu: Trong năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em của tỉnh ta đạt được những kết quả nổi bật. Công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em ngày càng được quan tâm; hệ thống mạng lưới y tế cơ sở được mở rộng và nâng cấp; mạng lưới y tế học đường ngày càng được chú trọng nâng cao về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ và đội ngũ cán bộ. Hầu hết các em được đáp ứng các quyền cơ bản, được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh: 100% trẻ em được đăng ký khai sinh; trẻ em được tiêm chủng đầy đủ đạt 98%; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ và được ưu tiên khám chữa bệnh miễn phí; 100% đơn vị cấp xã được công nhận tiếp tục đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục THCS...
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 239.439 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 25,3% tổng dân số. Trong đó, có 5.053 trẻ em hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 2,11% tổng số trẻ em. Theo đó, công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có bước chuyển biến tích cực, đã tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em được phát triển hài hòa về thể chất, trí tuệ và tinh thần, giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên hòa nhập cộng đồng. Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho trẻ em thuộc đối tượng Bảo trợ xã hội. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp hiện nay đạt 87,6%; bình quân mỗi năm hỗ trợ kinh phí phẫu thuật cho trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh, trẻ em khuyết tật vận động, trẻ em bị sứt môi, hở vòm họng và trao hàng trăm suất học bổng, bảo trợ dài hạn, xe đạp… cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 2 tỷ đồng.
Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu với UBND tỉnh tặng quà cho hàng trăm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại các xã, phường, thị trấn; trẻ em đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh; trẻ em tại trường Giáo dưỡng số 2, với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng. Đồng thời, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng tích cực vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhận đỡ đầu, tặng quà, học bổng, xe đạp, hỗ trợ kinh phí phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật.
Tết thiếu nhi của các cháu Trường Mầm non Quang Sơn (thành phố Tam Điệp). Ảnh: Minh Quang
PV: Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang có diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước. Đối với tỉnh ta, công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em đã được thực hiện như thế nào?
Đ/c Lê Thị Lựu: Trong năm 2018, toàn tỉnh đã phát hiện 10 vụ/9 em bị xâm hại (hiếp dâm, dâm ô 6 vụ/5 em; giao cấu với trẻ em 4 vụ/4 em). Cơ quan chức năng đã khởi tố điều tra 9 vụ/08 bị can; tạm đình chỉ điều tra 1 vụ (giao cấu với người dưới 16 tuổi) chưa xác định được bị can. Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng tư vấn, hỗ trợ đưa trẻ em đi khám bệnh; tư vấn phục hồi về tâm lý, giúp các em sớm ổn định về tâm lý và sức khỏe. Mặc dù đã được pháp luật xử lý kịp thời, tuy nhiên đằng sau mỗi vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em đều là một câu chuyện buồn, để lại nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Vì vậy, công tác phòng ngừa và hướng dẫn trẻ có kỹ năng cần thiết để tránh bị xâm hại tình dục cần phải được thực hiện quyết liệt hơn nữa.
Theo đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thường xuyên chỉ đạo phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố thực hiện tốt việc quản lý, theo dõi nắm bắt thông tin về trẻ em, nhất là nhóm trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, nguy cơ xâm hại, từ đó có biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời. Ngoài ra, phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tư vấn tại cộng đồng về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tới các cộng tác viên, trưởng các chi hội đoàn thể và cha mẹ, người chăm sóc trẻ nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của cộng đồng, cha mẹ trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngành cũng đã tổ chức "Diễn đàn với trẻ em" tại các xã, phường, thị trấn nhằm cung cấp cho các em những kiến thức, kỹ năng phòng tránh bị xâm hại, bạo lực và bóc lột, qua các diễn đàn này các em đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm, ý kiến, suy nghĩ của mình về các vấn đề mình quan tâm, trong đó có vấn đề về xâm hại trẻ em, tiếng nói của các em tại các diễn đàn cũng là cơ sở để chúng tôi có thêm thông tin, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, nội dung tuyên truyền và thực hiện các chính sách về bảo vệ trẻ em.
PV: Công tác can thiệp, trợ giúp phục hồi trẻ em sau khi tổn hại đã được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Lê Thị Lựu: Những năm qua, trẻ em bị tổn hại như: mồ côi, bị bỏ rơi, lạm dụng thể chất, lạm dụng tình cảm, sao nhãng, xâm hại tình dục, vi phạm pháp luật… đã được các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai các hoạt động hỗ trợ, phục hồi và tái hòa nhập cho trẻ em. Cùng với đó, các hoạt động can thiệp tác động tới cả trẻ em, cha mẹ trẻ và các thành viên trong gia đình nhằm giải quyết những nhu cầu tâm lý xã hội của trẻ em và khả năng bảo vệ trẻ em của cha mẹ và người chăm sóc trẻ em như: điều trị y tế, tư vấn, tham vấn, thăm gia đình, chăm sóc nhận nuôi tạm thời, đưa trẻ vào Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh, hỗ trợ quay lại trường học, đào tạo dạy nghề, hỗ trợ tăng thu nhập cho gia đình... Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng sẽ tiếp tục tổ chức truyền thông, tuyên truyền tại cộng đồng về các kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, kiến thức kỹ năng phòng tránh bạo lực, xâm hại trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đồng thời xây dựng chương trình giám sát công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương trên cơ sở phối hợp với các ngành định kỳ tiến hành kiểm tra, giám sát, hướng đến mọi trẻ em đều được quan tâm, chăm sóc và bảo vệ tốt nhất.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Đào Hằng