Thống kê của ngành Công thương, đối với ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho ngành công nghiệp điện tử, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 6 doanh nghiệp đầu tư dự án và đi vào hoạt động, đó là Công ty TNHH Mcnex Vina tại Khu công nghiệp (KCN) Phúc Sơn với công suất từ 100-150 triệu sản phẩm camera modul và linh kiện điện tử khác/năm; Công ty TNHH Beauty Surplus Int'l Việt Nam tại KCN Khánh Phú, sản xuất thiết bị quang học, công suất 7,2 triệu sản phẩm/năm; Công ty TNHH Electronics Việt Nam; Công ty TNHH YG Vina tại KCN Gián Khẩu sản xuất dây tai nghe điện thoại; Công ty TNHH Sanico Việt Nam sản xuất bản dẫn vi mạch; Công ty TNHH Goryo Việt Nam sản xuất núm tai nghe điện thoại tại Cụm công nghiệp (CCN) Gia Vân.
Đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, đến nay tỉnh đã thu hút được 9 dự án sản xuất CNHT. Tiêu biểu như: Dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị ô tô của Công ty TNHH ADM 21 tại KCN Khánh Phú, Công ty cổ phần Sejung sản xuất ống xả, linh kiện ống xả, động cơ, khuôn mẫu phục vụ sản xuất ống xả, công suất 570.500 sản phẩm/năm tại CCN Cầu Yên...
Ngành CNHT may mặc đã có một dự án nhà máy sợi của Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Lam Giang tại phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình với sản phẩm sợi cọc, công suất 12.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 530 tỷ đồng. Nhà máy đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2017, dự kiến sản lượng đạt 5.500 tấn.
Ngoài các nhóm ngành CNHT chính, trên địa bàn tỉnh còn một số doanh nghiệp có hoạt động CNHT, sản xuất các vật tư, linh kiện, thiết bị, phụ tùng phục vụ cho hoạt động sản xuất của một số ngành như: Công ty TNHH giày Athena Việt Nam sản xuất đế giày, mũ giày cung cấp cho một số doanh nghiệp trong nước; Công ty TNHH Đổi Mới, Quang Minh sản xuất khung sắt sơn tĩnh điện phục vụ hàng thủ công mỹ nghệ; Công ty TNHH MTV Cơ khí Đại Phú, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thành Nam... sản xuất vật liệu xây dựng bi, con lăn, máy nghiền, băng tải phục vụ cho sản xuất xi măng...
Mặc dù đã có bước phát triển nhất định nhưng cơ bản ngành CNHT của tỉnh còn sơ khai. Số lượng doanh nghiệp vẫn còn ít, rải rác ở một số lĩnh vực, giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng nhỏ, khả năng cạnh tranh kém. Bên cạnh đó, các sản phẩm CNHT còn nghèo nàn về chủng loại, kiểu dáng, mẫu mã đơn điệu, giá thành cao hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu.
Nguồn nhân lực phục vụ phát triển CNHT chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khả năng tài chính còn yếu, vốn tự có thấp, trình độ công nghệ yếu kém, thiếu tài sản đảm bảo dẫn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn hạn chế...
Trước thực tế khó khăn này, để doanh nghiệp đầu tư công nghệ, duy trì sản xuất, Chính phủ cũng đã có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi về vốn. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, cho vay phát triển CNHT được xác định là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên của ngành ngân hàng.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thời gian qua các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên; quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ thấp hơn lãi suất cho vay thông thường khoảng 1 - 2%/năm và đã điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay phù hợp với xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất đối với thị trường. 10 tháng đầu năm nay, dư nợ cho vay CNHT của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã đạt 301 tỷ đồng, tăng 20,4% so với đầu năm, chiếm 0,4%/tổng dư nợ của các chi nhánh ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân.
Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng được xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với nhu cầu vốn trong nước để thực hiện phương án sản xuất hàng xuất khẩu nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp CNHT) tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp… Do vậy, dư nợ cho vay xuất khẩu 10 tháng đầu năm đạt 1.208 tỷ đồng, tăng 27,1% so với đầu năm, chiếm 1,6%/tổng dư nợ của các chi nhánh ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân.
Được biết, bên cạnh các chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng cũng rất chủ động khi đưa ra các sản phẩm tín dụng phù hợp với đối tượng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT, từ năm 2017 Ngân hàng BIDV đã triển khai gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất từ 5%/năm, gói tín dụng 10 nghìn tỷ đồng ngắn hạn VNĐ dành cho khách hàng mới với lãi suất cho vay từ 5,5%; hay Vietcombank có các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho một số ngành kinh tế, trong đó có ngành công nghiệp và CNHT với quy mô 10 nghìn tỷ đồng…
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Hệ thống tín dụng trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục điều hành lãi suất linh hoạt, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và hạn chế tín dụng đen.
Các chính sách lãi suất của các ngân hàng cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn sản xuất, nhất là các công ty hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên như phát triển nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển ngành CNHT...
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xác định CNHT là lĩnh vực ưu tiên và chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn cho vay theo trần lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước; triển khai kết nối ngân hàng, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng theo quy định.
Bài, ảnh: Bảo Yến